Những người mắc bệnh đái tháo đường có nên sinh con?

Khi mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) ở lứa tuổi còn trẻ và còn trong độ tuổi sinh sản và chưa có con hoặc chỉ có một con, một câu hỏi thường xuyên đặt ra với người bệnh và người nhà rằng: bệnh ĐTĐ có thể di truyền, nếu có con liệu bệnh có thể truyền đến thế hệ sau? Có con trước khi được chẩn đoán và điều trị bệnh ĐTĐ thì những người con đó có bị di truyền bệnh không? Khi bố mẹ hoặc anh/chị mình mắc bệnh ĐTĐ, chuyện tương tự có thể xảy ra với mình hay không?... Những thông tin sau đây phần nào giúp giải đáp những thắc mắc trên.

Trước tiên cần phải nói ngay rằng: phần lớn bệnh nhân mắc ĐTĐ đều có thể có con. Bệnh ĐTĐ là một bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả những yếu tố di truyền và yếu tố không di truyền. Để có thể tư vấn cho bệnh nhân tốt, cần xét đến các yếu tố như: niềm mong muốn của người bệnh, lịch sử bệnh của gia đình bệnh nhân, đặc điểm bệnh hiện tại, các chỉ số sinh học... 

Nếu bố hoặc mẹ mắc bệnh ĐTĐ typ 2, khả năng mắc bệnh của con là 15%. Nhưng nếu cả bố và mẹ đều bị mắc bệnh ĐTĐ typ 2, khi đó khả năng con sẽ mắc bệnh giống bố mẹ tăng lên tới 75%, hay nói một cách khác số con của cặp vợ chồng mắc bệnh ĐTĐ typ 2 sẽ tiến triển tới bệnh ĐTĐ chiếm khoảng 3/4.

Nếu bản thân bị mắc bệnh ĐTĐ, khi làm xét nghiệm chẩn đoán bệnh cho thế hệ trước, người ta ước đoán bố/mẹ người đó sẽ có khả năng mắc bệnh tới 40% (cứ 2 bệnh nhân mắc bệnh ĐTĐ, sẽ có gần 1 người có bố/mẹ cũng mắc ĐTĐ).

Khi trẻ sinh ra, những gen gây bệnh ĐTĐ đã có sẵn trong tinh trùng của bố và trứng của người mẹ, những gen bệnh này sẽ có thể di truyền đến thế hệ sau, dù rằng lúc đẻ con, người bố hoặc mẹ đó chưa hề mắc bệnh ĐTĐ. Và một điều quan trọng cần nhớ rằng: dù có gen bệnh trong người, nhưng những người này có thể giảm hơn 50% nguy cơ mắc bệnh ĐTĐ chỉ bằng cách có lối sống tốt, khoa học. Chẳng ai chọn được bố mẹ, nhưng ai cũng có thể chọn được lối sống của mình.

Nếu bệnh nhân ĐTĐ typ 2 có anh/chị em sinh đôi khác trứng khả năng mắc bệnh của người đó sẽ là 10%. Nhưng nếu là sinh đôi cùng trứng, khả năng mắc bệnh sẽ lên đến 90%.

Đối với những người mắc ĐTĐ typ 2 ở tuổi rất trẻ (thời niên thiếu hoặc vị thành niên), đây là loại bệnh di truyền trội - khả năng mắc bệnh của con hoặc anh/chị em của bệnh nhân này sẽ vào khoảng 50%.

Một người trẻ có thể đánh giá khả năng mắc ĐTĐ typ 1 là 8-9% nếu bố mắc ĐTĐ typ 1; là 2 - 3% nếu mẹ mắc bệnh ĐTĐ typ 1; và sẽ là 30% nếu cả bố và mẹ mắc ĐTĐ typ 1. Như vậy, nếu mẹ bị mắc ĐTĐ typ 1, khả năng di truyền sang con khá thấp.

Một cách khái quát, anh chị em của người mắc ĐTĐ typ 1 sẽ có khả năng mắc bệnh ĐTĐ typ 1 là 10% (1/10 anh chị em có khả năng mắc cùng chứng bệnh ĐTĐ typ 1). Khả năng mắc bệnh sẽ tăng lên rất cao (90%) nếu người anh chị em đó có cùng nhóm kháng nguyên bạch cầu (HLA) và có hiệu giá kháng thể liên quan đến bệnh ĐTĐ cao. Nhưng khả năng mắc bệnh sẽ chỉ còn 1% nếu không cùng nhóm kháng nguyên bạch cầu và không có kháng thể liên quan đến bệnh ĐTĐ.

Với những cặp sinh đôi cùng trứng, khả năng mắc bệnh khoảng 40%. Nhưng nếu sinh đôi không cùng trứng, khả năng mắc bệnh còn 15% ở người mắc ĐTĐ typ 1.

Những người mắc ĐTĐ muốn sinh con cần đặc biệt lưu ý:

Phụ nữ mắc ĐTĐ đang có mức đường máu cao không ổn định, khả năng bị dị tật thai nhi có thể lên tới 22% và các bệnh về tim mạch (cao huyết áp xơ vữa động mạch nhồi máu não). Do vậy, ổn định đường máu tốt những tháng trước khi mang thai và 3 tháng đầu là rất quan trọng để có thai được an toàn (khả năng bị dị tật thai chỉ tương đương như người không mắc ĐTĐ là 1%). Hãy nói với bác sĩ về kế hoạch có con để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất.

Bố hoặc mẹ mắc ĐTĐ đang ở vào giai đoạn biến chứng nặng, khả năng sống thêm không còn nhiều (ví dụ suy thận giai đoạn cuối) nên khó có khả năng chăm sóc nuôi dạy trẻ nên cân nhắc chuyện sinh con

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật