Bạn nên biết: Làm thế nào để đảm bảo an toàn truyền máu?

Máu là nguồn sống trong cơ thể chúng ta, là một dược phẩm vô giá, chưa có thứ thuốc nào thay thế được. Máu rất cần cho cấp cứu và điều trị như khi phải phẫu thuật, cấp cứu hay chữa một số bệnh. Vậy làm thế nào để đảm bảo an toàn truyền máu?

Các kháng nguyên có tính miễn dịch cao được xếp thành hệ thống các nhóm máu ABO, Rh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong truyền máu.

Những nhóm máu quan trọng trong truyền máu

- Hệ thống nhóm máu ABO: Năm 1901, bác học Landsteiner phát hiện ra hiện tượng: huyết thanh của người này làm ngưng kết hồng cầu của người kia và ngược lại. Sau đó các nhà khoa học đã tìm được kháng nguyên A và kháng nguyên B có mặt trên màng hồng cầu, còn kháng thể a và kháng thể b có mặt trong huyết tương. Kháng thể a sẽ làm ngưng kết hồng cầu mang kháng nguyên A, kháng thể b sẽ làm ngưng kết hồng cầu mang kháng nguyên B. Do cơ thể có trạng thái dung nạp với kháng nguyên bản thân nên trong huyết tương không bao giờ có kháng thể chống lại kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu của chính mình.

Máu là nguồn sống trong cơ thể chúng ta

Máu là nguồn sống trong cơ thể chúng ta

Dựa vào kháng nguyên có trên bề mặt hồng cầu, người ta chia ra 4 nhóm máu là: A, B, AB và O. Người nhóm máu A có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu và có kháng thể b trong huyết tương. Người nhóm máu B có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu và có kháng thể a trong huyết tương. Người có nhóm máu AB có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu và không có kháng thể a và b trong  huyết tương. Người có nhóm máu O không có kháng nguyên A và B trên bề mặt hồng cầu, nhưng trong huyết tương có cả kháng thể a và b. Các kháng thể a và b là những kháng thể tự nhiên trong huyết thanh.

- Hệ thống nhóm máu Rh: Hệ Rh có 3 loại kháng nguyên chính: kháng nguyên D (Rh0), kháng nguyên C (Rh'), kháng nguyên E (Rh''). Nhưng chỉ có kháng nguyên D có tính kháng nguyên mạnh và có tính sinh miễn dịch cao. Do đó chỉ khi có kháng nguyên D thì mới gọi là Rh+. Kháng nguyên hệ thống nhóm máu Rh có tính di truyền, còn kháng thể chống Rh chỉ có ở cơ thể những người có nhóm máu Rh-  khi được miễn dịch bằng hồng cầu có kháng nguyên D (Rh+). Nếu một người có nhóm máu Rh- , chưa hề được truyền máu Rh+ bao giờ thì khi truyền máu Rh+ lần đầu cho họ sẽ không bị xảy ra phản ứng phản vệ. Nhưng sau 2 - 4 tháng truyền máu Rh+, nồng độ kháng thể chống Rh+ trong máu người nhận Rh- mới đạt tối đa. Từ đây nếu truyền máu Rh+ cho họ lần thứ 2, có thể gây ra sốc nặng. Vì vậy phải hết sức chú ý tới người đã được truyền máu nhiều lần, phải xác định nhóm máu hệ Rh cho họ để tránh các trường hợp xảy ra phản ứng truyền máu nguy hiểm.

Truyền máu như thế nào mới an toàn?

Quy tắc truyền máu cơ bản là: không để kháng nguyên và kháng thể tương ứng gặp nhau trong máu người nhận. Đối với hệ thống nhóm máu ABO, thoả mãn qui tắc trên là phải truyền cùng nhóm, ví dụ máu nhóm A truyền cho nhóm A... Đồng thời với việc xác định nhóm máu thuộc hệ ABO, cần phải làm các phản ứng chéo: trộn hồng cầu người cho với huyết thanh máu người nhận và trộn hồng cầu người nhận với huyết thanh máu người cho, nếu không có hiện tượng ngưng kết hồng cầu thì máu đó mới được truyền.

Trường hợp cần truyền máu khác nhóm, phải theo một qui tắc tối thiểu: không để xảy ra ngưng kết hồng cầu của người cho trong máu của người nhận. Vì khi xảy ra tai biến này thì chỉ cần truyền nhầm 2ml máu đã có thể gây tử vong do tắc mạch, tan máu suy thận cấp Do đó truyền máu khác nhóm bắt buộc phải theo nguyên tắc sau: nhóm O truyền được cho 3 nhóm: A, B, AB; Nhóm A và nhóm B truyền được cho nhóm AB. Nhóm AB không truyền được cho nhóm O, A, B. Trường hợp truyền máu khác nhóm chỉ được truyền khoảng 250ml máu, với tốc độ rất chậm, khi đó tai biến do truyền máu rất khó xảy ra vì kháng thể trong máu người cho ngay lập tức bị pha loãng trong máu của người nhận, do đó nồng độ kháng thể rất thấp. Các kháng thể này sẽ bị các enzym phân giải.

Đối với hệ thống nhóm máu Rh, kháng thể chống Rh chỉ hình thành ở người Rh- khi được miễn dịch bằng hồng cầu của người Rh+. Vì tỷ lệ Rh- của người Việt Nam rất thấp nên người ta chỉ cần xét nghiệm nhóm máu hệ Rh cho người đã được truyền máu nhiều lần và phụ nữ có tiền sử sảy thai đẻ non, đẻ con có hội chứng vàng da huỷ huyết. Nếu bệnh nhân cần truyền máu là người Rh+ thì truyền máu Rh+ hoặc Rh- đều được. Ngược lại, bệnh nhân cần truyền máu là người Rh- thì nhất thiết phải được truyền máu là Rh-.

Kháng nguyên, kháng thể trên hồng cầu của 4 nhóm máu A, B, AB, O.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật