Những nhầm lẫn thường gặp về chứng tự kỷ ở trẻ mà phụ huynh thường mắc phải

Những nhận thức sai lầm về chứng tự kỷ có thể gây nên những tác hại lớn không chỉ cho trẻ mà còn cho cả gia đình, xã hội.

Tự kỷ không phải là một loại bệnh

Hiện nay, rất nhiều người vẫn gọi tự kỷ là bệnh. Cách hiểu này dẫn đến những sai lệch về quan niệm, cách điều trị cho trẻ tự kỷ Khi gọi tự kỷ là bệnh, mọi người sẽ ngầm hiểu rằng đã là bệnh thì sẽ có thuốc chữa và trẻ có thể bình phục hoàn toàn.

Vì thế, nhiều bậc phụ huynh đã đưa con đi tìm thầy thuốc chạy chữa khắp nơi, cho con uống các loại thuốc bổ quý hiếm mà không quan tâm đến các phương pháp can thiệp hiệu quả đã được khoa học chứng minh. Điều này dẫn đến tình trạng tự kỷ ở trẻ ngày một nặng hơn.

Tự kỷ là một hội chứng, không phải là bệnh, không lây lan từ người này sang người khác. Hiện nay, chưa có thuốc chữa hội chứng tự kỷ Tuy nhiên, nếu trẻ tự kỷ ở mức độ nhẹ được phát hiện và can thiệp sớm thì vẫn có thể phát triển tương đối bình thường, hòa nhập được với cộng đồng. Với trường hợp nặng hơn, các biện pháp can thiệp chỉ có thể giúp trẻ ổn định và biết cách giao tiếp hơn.

Sự thiếu quan tâm của cha mẹ không phải là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ nhưng là tác nhân khiến hội chứng này trầm trọng hơn

Sự thiếu quan tâm của cha mẹ không phải là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ nhưng là tác nhân khiến hội chứng này trầm trọng hơn

Trẻ mắc chứng tự kỷ do cha mẹ không biết cách nuôi dưỡng?

Đến tận thời điểm này, vẫn có nhiều bậc phụ huynh khi biết con mình mắc chứng tự kỷ đã vô cùng đau khổ. Đồng thời họ quay ra đổ lỗi cho bản thân vì không biết cách chăm sóc, nuôi dưỡng, thiếu quan tâm đến con, dẫn đến việc con bị tự kỷ.

Các chuyên gia đã chứng minh rằng chứng tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển bẩm sinh. Điều này có nghĩa là, từ khi sinh ra, trẻ đã có những biểu hiện của hội chứng này, hoặc trẻ có tiềm ẩn chứng tự kỷ từ bên trong, đến độ tuổi nào đó (thường từ 2-3 tuổi) mới bắt đầu biểu hiện ra.

Do vậy, quan niệm trẻ tự kỷ do cha mẹ ít quan tâm, gần gũi, không nói chuyện với trẻ là hoàn toàn sai lầm. Thực chất, đây chỉ là những yếu tố có thể làm cho tình trạng tự kỷ trở nên nặng hơn mà thôi.

Trẻ tự kỷ và trẻ chậm nói

Dạy trẻ từng kỹ năng ngôn ngữ, hành vi, nhận thức và giao tiếp để trẻ tự kỷ hòa nhập hơn với cộng đồng

Dạy trẻ từng kỹ năng ngôn ngữ, hành vi, nhận thức và giao tiếp để trẻ tự kỷ hòa nhập hơn với cộng đồng

Không ít bậc phụ huynh lại bị ám ảnh bởi chứng tự kỷ. Khi con chậm nói, kém tập trung hơn so với các bạn đồng trang lứa, cha mẹ đã hốt hoảng cho rằng con bị tự kỷ. Có những trường hợp, cha mẹ đưa con đến bệnh viện khám, bác sĩ đã kết luận trẻ hoàn toàn bình thường nhưng họ vẫn không tin và khăng khăng cho rằng con mình bị mắc hội chứng này.

Thực tế, chậm nói, chậm phát triển hoàn toàn khác với chứng tự kỷ mặc dù cũng có một số biểu hiện dễ bị nhầm lẫn như: giao tiếp ngôn ngữ kém, phản xạ kém… Tuy nhiên, các dạng vận động về thể chất và tinh thần ở các trẻ này lại hoàn toàn bình thường. Hơn nữa, những trẻ này vẫn có thể giao tiếp bằng mắt, nhận ra và giao cảm tốt với người thân. Trẻ không nói nhưng vẫn nghe và hiểu người khác nói.

Trong khi đó, trẻ tự kỷ ngoài hạn chế giao tiếp ngôn ngữ, còn tránh giao tiếp bằng mắt, ngay cả với người thân. Trẻ không thích chơi đùa với trẻ khác và cũng không nói và không hiểu ngôn ngữ.

Trẻ tự kỷ và trẻ mắc các bệnh có triệu chứng giống tự kỷ

Một số bệnh như khuyết tật thính giác, hội chứng mất ngôn ngữ dạng động kinh, bệnh u xơ cứng củ, hội chứng Williams… và chứng tự kỷ có các triệu chứng khá giống nhau. Do đó, trẻ mắc các bệnh này dễ bị chẩn đoán nhầm là bị tự kỷ. Để xác định chính xác trẻ có bị tự kỷ không, các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến khám và tư vấn các bác sĩ chuyên ngành, không nên tự mình đưa ra kết luận vội vàng.

Đôi khi, trẻ có biểu hiện giống tự kỷ nhưng lại mắc một chứng bệnh hoàn toàn khác

Đôi khi, trẻ có biểu hiện giống tự kỷ nhưng lại mắc một chứng bệnh hoàn toàn khác

- Khuyết tật thính giác:

Các bậc phụ huynh thường ngay lập tức nghĩ rằng con mình bị tự kỷ khi trẻ có biểu hiện không nghe người khác gọi, phản xạ chậm chạp, tảng lờ mọi thứ, phát ra những âm thanh kỳ lạ, giao tiếp kém. Thật ra, nếu trẻ bị khuyết tật thính giác cũng sẽ có những biểu hiện như vậy do trẻ không thể nghe được lời nói, âm thanh xung quanh mình.

- Hội chứng mất ngôn ngữ dạng động kinh (Hội chứng Landau-Kleffner):

Đây là một dạng động kinh hiếm gặp ở trẻ em thường xuất hiện ở trẻ trên 3 tuổi, có liên quan tới rối loạn ngôn ngữ mức độ nặng. Trẻ mắc hội chứng này có những hành vi co giật và 'thoái lui tự kỷ', mất ngôn ngữ đã học được. Nguyên nhân của hội chứng này vẫn chưa được tìm ra.

- Bệnh u xơ cứng củ:

Bệnh này có những triệu chứng giống tự kỷ như: trẻ rập khuôn, không có ngôn ngữ hoặc ngôn ngữ không bình thường; trẻ thu mình, khiếm khuyết trong tương tác.

- Hội chứng Williams:

Hội chứng này xuất hiện ngay từ khi mới sinh với tỉ lệ mắc ở bé trai và bé gái là bằng nhau. Trẻ mắc hội chứng này có một số biểu hiện đặc trưng giống tự kỷ như: chậm phát triển ở những giai đoạn tập đi, tập nói, nhạy cảm với âm thanh, lo lắng ám ảnh, không thích sự thay đổi, lặp đi lặp lại nhiều hành động vô nghĩa, khó khăn trong giao tiếp.

Tuy vậy, trẻ mắc hội chứng Williams vẫn có nhiều đặc điểm khác với trẻ tự kỷ như: trẻ thân thiện, không sợ người lạ, khả năng diễn đạt khá tốt, thích giao tiếp với mọi người.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật