Yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả tiêm chủng ít ai biết

Một trong những yếu tố quan trọng giúp cho việc tiêm chủng đạt hiệu quả là nhiệt độ bảo quản vaccin trong quá trình từ khi sản xuất tới khi sử dụng vì nhiệt độ bảo quản vaccin liên quan tới tính ổn định và hiệu lực của vaccin.

Đối với mỗi loại vaccin thì ảnh hưởng của nhiệt độ bảo quản có thể khác nhau. Nếu vaccin không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp thì vaccin sẽ bị giảm hiệu lực. Tỷ lệ giảm hiệu lực của vaccin tuỳ thuộc vào nhiệt độ bảo quản, vaccin tiếp xúc với nhiệt độ càng cao thì hiệu lực của vaccin càng giảm nhiều và giảm nhanh.

Một số loại vaccin rất dễ bị ảnh hưởng bởi tiếp xúc với nhiệt độ cao (trên +8oC) nhưng lại thường không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ thấp (dưới 0oC): vaccin bại liệt uống (OPV), sởi, BCG... Vaccin bại liệt uống (OPV) là loại v.accin dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao nhất, nếu bị tiếp xúc với nhiệt độ 37oC trong thời gian 2 ngày vaccin sẽ bị mất hiệu lực. Một số loại vaccin khác lại rất dễ bị ảnh hưởng bởi tiếp xúc với nhiệt độ thấp (dưới +2oC): vaccin VGB, DTP, DT, dT, Td, UV, Hib dạng dung dịch,... Vaccin viêm gan b là vaccin dễ nhạy cảm nhất với nhiệt độ đông băng, nó sẽ bị hỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ -0,5oC. Những vaccin dễ bị hỏng khi tiếp xúc với nhiệt độ đông băng thì thường bền vững hơn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Nhiệt độ bảo quản và vận chuyển đối với từng loại vaccin cũng được các nhà sản xuất ghi trên nhãn lọ vaccin và hướng dẫn sử dụng. Mỗi vaccin có một đặc thù riêng trong việc đòi hỏi bảo quản bao lâu và ở nhiệt độ nào.

Ngoài ra một số vaccin rất nhạy cảm với ánh sáng và khi tiếp xúc với ánh sáng nó sẽ bị giảm hiệu lực. Vaccin BCG, sởi, MR, vaccin Rubella,... là những vaccin rất nhạy cảm với ánh sáng và cần phải tránh để những vaccin này tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và ánh sáng đèn huỳnh quang (đèn nê-ông). Một số nhà sản xuất sử dụng lọ thủy tinh sẫm mầu để chứa các vaccin này.

Nếu vaccin đã bị giảm hoặc mất hiệu lực thì không thể trở lại hiệu lực ban đầu được. Việc hiểu biết về các đặc điểm và mức độ ảnh hưởng của nhiệt độ đối với các loại vaccin khác nhau sẽ giúp bảo quản, vận chuyển và sử dụng vaccin hiệu quả.

Thông thường tất cả các loại vaccin có thể được bảo quản ở nhiệt độ từ + 2oC đến +8oC. Một vài vaccin có thể bảo quản ở nhiệt độ từ -15oC đến -25oC.

Các thiết bị lạnh để bảo quản vaccin

Vaccin không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp sẽ giảm hiệu lực

Vaccin không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp sẽ giảm hiệu lực

Buồng lạnh dương (nhiệt độ +2oC đến +8oC) dùng để bảo quản vaccin dễ bị hỏng bởi nhiệt độ đông băng với số lượng lớn và trong khoảng thời gian nhiều tháng.

Buồng lạnh âm (nhiệt độ -15oC đến - 25oC) dùng để bảo quản vaccin dễ bị hỏng bởi nhiệt độ cao với số lượng lớn và trong khoảng thời gian nhiều tháng.

Tủ lạnh ((nhiệt độ +2oC đến +8oC) dùng để bảo quản vaccin với số lượng không nhiều và có thể bảo quản vaccin trong thời gian từ 1- 3 tháng.

Tủ đá (nhiệt độ -15oC đến - 25oC) dùng để bảo quản vaccin bại liệt uống trong thời gian từ 1- 3 tháng tại tuyến tỉnh trở lên.

Hòm lạnh có chứa các bình tích lạnh hoặc đá lạnh được sử dụng để bảo quản và vận chuyển vaccin trong một khoảng thời gian ngắn từ 2 - 7 ngày.

Phích vaccin có chứa các bình tích lạnh hoặc đá lạnh được sử dụng để bảo quản và vận chuyển vaccin trong khoảng 48 giờ.

Khi vận chuyển vaccin với một số lượng lớn thì việc sử dụng xe lạnh chuyên dụng để vận chuyển vaccin là cần thiết. Việc sử dụng loại thiết bị lạnh nào để bảo quản và vận chuyển vaccin tùy thuộc vào số lượng và thời gian bảo quản, vận chuyển vaccin và điều kiện của từng cơ sở tiêm chủng để đảm bảo vaccin được bảo quản và vận chuyển ở nhiệt độ thích hợp theo đúng quy định.

Việc sắp xếp vaccin trong các thiết bị lạnh cũng cần được chú ý vì nếu sắp xếp không đúng sẽ ảnh hưởng tới nhiệt độ bảo quản đối với loại vaccin đó. Về nguyên tắc các vaccin phải được sắp xếp sao cho có khoảng trống để khí lạnh có thể lưu thông quanh vaccin đảm bảo vaccin được giữ lạnh ở nhiệt độ thích hợp. Để những hộp vaccin dễ bị hỏng bởi đông băng cách xa khoang làm đá, giàn làm lạnh nơi có nhiệt độ thấp nhất trong thiết bị lạnh. Sắp xếp vaccin trong hòm lạnh và phích vaccin cũng phải tuân thủ nguyên tắc là sao cho vaccin được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp và những vaccin dễ bị hỏng bởi đông băng không tiếp xúc trực tiếp với bình tích lạnh hoặc đá lạnh.

Dụng cụ theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh

Mục đích của việc sử dụng các dụng cụ theo dõi dây chuyền lạnh là để kiểm tra, theo dõi nhiệt độ của vaccin trong quá trình vận chuyển và bảo quản. Có nhiều loại dụng cụ để theo dõi nhiệt độ bao gồm các thiết bị điện tử tự động.

Chỉ thị nhiệt độ lọ vaccin là nhãn được dán lên lọ vaccin có thể thay đổi màu khi lọ vaccin tiếp xúc với nhiệt độ cao quá thời gian cho phép.

Thẻ theo dõi nhiệt độ dùng để theo dõi nhiệt độ vaccin có chất liệu thay đổi màu khi vaccin tiếp xúc với nhiệt độ cao. Thẻ theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh được sử dụng để ước tính khoảng thời gian vaccin đã tiếp xúc với nhiệt độ cao. Thẻ theo dõi nhiệt độ dây chuyền lạnh thường được sử dụng khi vận chuyển số lượng lớn vaccin. Thẻ của lô vaccin nào thì được để cùng với lô vaccin đó trong suốt quá trình theo dõi. Sự thay đổi màu sẽ là bằng chứng ghi lại sự tiếp xúc với nhiệt độ cao trong quá trình vận chuyển.

Nhiệt kế được sử dụng để theo dõi nhiệt độ của các thiết bị dây chuyền lạnh.

Chỉ thị nhiệt độ đông băng giúp phát hiện nguy cơ khi vaccin tiếp xúc với nhiệt quá thấp có thể ảnh hưởng tới những vaccin bị hỏng bởi nhiệt độ đông băng.

Nhiệt độ bảo quản và vận chuyển đối với hầu hết các loại vaccin trong suốt quá trình từ khi sản xuất tới khi sử dụng là từ +2oC đến +8oC. 

Người cán bộ làm tiêm chủng và người quản lý kho vaccin phải được học và được hướng dẫn để biết về đặc điểm của từng loại vaccin đối với nhiệt độ, biết cách theo dõi nhiệt độ của các thiết bị lạnh có chứa vaccin, biết quản lý dây chuyền lạnh và biết cách phải làm gì khi vaccin tiếp xúc với nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đối với từng loại vaccin trong quá trình bảo quản, vận chuyển.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật