Hiểm họa khi đeo bao tay, chân cho trẻ sơ sinh cha mẹ nên chú ý

Không ít trường hợp trẻ sơ sinh được đeo bao tay, bao chân đã phải tháo khớp vì sự chủ quan và bất cẩn của cha mẹ.

Những trường hợp đáng tiếc

Phòng cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội thường xuyên tiếp nhận và xử lý không ít trường hợp trẻ sơ sinh gặp sự cố do bao tay, bao chân. Bé Hoàng A (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng như nhiều trẻ sơ sinh khác được gia đình đeo bao tay, chân ngay từ khi mới chào đời. Bỗng một ngày, người mẹ thấy con khóc nhiều, sốt cao, bỏ bú mới lo lắng cho rằng bé bị bệnh nhưng vẫn không phát hiện ‘thủ phạm’ đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình là chiếc bao chân. Khi đưa bé đi khám, được bác sĩ tháo bỏ các loại bao tay, bao chân gia đình mới hoảng hốt khi thấy ngón chân giữa của bé bị quấn chặt bởi sợi chỉ mảnh, thừa phía trong chiếc bao chân. Lúc này ngón chân của bé A đã tím đen vì hoại tử do không được phát hiện kịp thời và bắt buộc phải tháo khớp.

Một trường hợp khác, bé gái 3 tháng tuổi ở Thanh Trì, Hà Nội may mắn hơn bé Hoàng A. Do bị viêm đường hô hấp kèm sốt cao, mẹ bé đã kiêng tắm rửa cho con. Đến khi người nhà đến chơi tháo bớt quần áo, bỏ bao tay mới phát hiện xung quanh ngón tay của bé cũng bị chỉ quấn chặt, đầu ngón tay đang bắt đầu tụ máu tím bầm. Nhờ được xử lý kịp thời nên sức khỏe của bé đã ổn định trở lại. Tuy nhiên, tại đốt ngón tay của bé vẫn có ngấn sâu và gia đình lo lắng không biết về sau bé có bị tật ở ngón tay này không?

Trên đây chỉ là 2 trong nhiều trường hợp đáng tiếc trẻ đã gặp nguy hiểm vì dùng bao tay chân và sự chủ quan, thiếu kinh nghiệm khi chăm sóc trẻ sơ sinh tại các gia đình.

Trẻ sơ sinh sớm được bỏ bao tay thường có phản xạ nắm giữ tốt hơn trẻ được đeo bao dài ngày (Ảnh: Internet)

Trẻ sơ sinh sớm được bỏ bao tay thường có phản xạ nắm giữ tốt hơn trẻ được đeo bao dài ngày (Ảnh: Internet)

Thời điểm bỏ bao tay, chân cho trẻ sơ sinh

Trên thực tế, không có quy định cụ thể nào về việc nên cho trẻ sơ sinh dùng bao tay, bao chân và thời điểm nào thì sẽ bỏ. Thông thường, từ trước đến nay theo kinh nghiệm chăm sóc con của các bà mẹ, trẻ sơ sinh thường nhanh mọc móng tay. Vì da tay bé còn non nớt, các mẹ lại kiêng kỵ việc cắt móng cho bé nên sử dụng bao tay, chân để bảo vệ bé, đề phòng bé tự mình cào vào mặt.

Tuy nhiên, đeo bao tay, bao chân thường xuyên cho trẻ sơ sinh thực sự không phải là việc làm hữu ích. Phần da tay của bé luôn được bao kín trong lớp vải mềm, không được tiếp xúc với không khí sẽ rất bí, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Nhiều bà mẹ cẩn thận vẫn sử dụng bao tay cho con trong tháng đầu mới sinh, sau đó bỏ dần hoặc chỉ đeo khi đưa trẻ ra ngoài hoặc trong ngày thời tiết lạnh. Theo nhiều quan điểm của các mẹ, bắt đầu từ tháng thứ 2 trở đi, bé đã học cách cầm nắm, vì vậy bỏ bao tay, bao chân sẽ tạo điều kiện để bé có cơ hội 'học tập', làm quen tiếp xúc với các đồ vật. Nhiều chuyên gia nhi khoa cho rằng, trẻ sơ sinh sớm được bỏ bao tay thường có phản xạ nắm giữ tốt hơn trẻ được đeo bao dài ngày.

Lưu ý khi đeo bao tay, chân cho bé

- Nên kiểm tra kỹ lưỡng sản phẩm trước khi mua. Lựa chọn các loại bao tay, bao chân có đường may lộn ra ngoài hoặc không có đường may. Đối với quần áo của trẻ sơ sinh, cha mẹ cần cắt bỏ hết các chỉ thừa sót lại, tốt nhất nên cho bé mặc đồ trái.

- Lựa chọn các loại bao chân, tay làm bằng vải sợi bông mềm, sợi vải thông thoáng, có khả năng thấm hút mồ hôi

- Dù được đeo bao tay, chân hàng ngày và chỉ ở trong nhà nhưng mỗi lần tắm rửa, gia đình cần lau rửa sạch sẽ chân tay và thay bao tay, bao chân mới cho bé.

- Tùy theo tình trạng thời tiết và sự phát triển của trẻ, gia đình tự quyết định có sử dụng bao tay, chân cho bé không. Không nên lạm dụng để trẻ đeo liên tục trong ngày, mẹ có thể tháo bỏ và mát-xa chân tay cho bé thoải mái.

- Cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ phải cắt móng tay móng chân cho bé thường xuyên. Sử dụng dụng cụ bấm móng chuyên dụng dành cho trẻ sơ sinh và sử dụng riêng biệt.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật