Dấu hiệu ban đầu của bệnh tiêu chảy cấp cần chú ý như thế nào?

Một người bị đi ngoài phân lỏng với các triệu chứng như nôn, mất nước, rối loạn điện giải… thì có thể coi là đã bị tiêu chảy cấp.

Câu hỏi: Thưa Bác sĩ, dấu hiệu ban đầu của bệnh như thế nào? Thường đi bao nhịêu lần trong ngày thì được xem là đã nhiễm bệnh? trẻ em đi học phòng bệnh bằng cách nào? có thuốc gì để phòng bệnh không? Xin cảm ơn Bác sĩ!

Trả lời:

Chào bạn,

Một người bị đi ngoài phân lỏng 3 lần hoặc nhiều hơn mỗi ngày, với các triệu chứng kèm theo như nôn mất nước rối loạn điện giải… thì có thể coi là đã bị nhiễm bệnh tiêu chảy cấp.

Với các trẻ em đi học thì cần thực hiện các biện pháp sau để phòng bệnh tiêu chảy:

1. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

- Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không đi tiêu bừa bãi.

- Bảo đảm vệ sinh trường lớp và môi trường xung quanh.

2. Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

- Thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

- Không ăn các thức ăn chưa được chế biến và nấu chín, các thức ăn còn sống như rau sống, gỏi cá, tiết canh...

- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn để đảm bảo không làm nhiễm mầm bệnh từ tay bẩn vào thức ăn.

3. Bảo vệ nguồn nước và dùng nước sạch

- Nhà trường cần đảm bảo nguồn nước ăn uống sinh hoạt phải được bảo vệ sạch sẽ, có nắp đậy, không để nguồn nước bẩn từ bên ngoài như ao, hồ, sông, suối... chảy vào.

- Ở những nơi không có nước máy mà đang có dịch tiêu chảy thì tất cả nước ăn uống đều phải được sát khuẩn bằng cloramin B.

- Không đổ phân, chất thải, nước giặt rửa xuống giếng, ao, hồ, sông, suối..

Về thuốc phòng bệnh: Cho trẻ dùng vắc-xin rota virus nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, cho dung vắc-xin Tả (do cơ quan y tế cấp) nếu trong vùng đang có dịch hoặc nguy cơ cao có dịch Tả.

Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật