Đứt dây chằng chéo trước và các câu hỏi thường gặp

Dây chằng chéo trước (DCCT) nằm ở trung tâm khớp gối, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững khớp gối, ngăn cản việc đầu gối bị trượt ra trước. Khi bị đứt, dây chằng chéo trước không tự lành lại như cũ được, và làm lỏng lẻo khớp gối khi đi lại, lên xuống cầu thang, chơi thể thao hoặc làm những công việc quá sức.

Tình huống nào bị đứt dây chằng chéo trước?

Trong 1 pha đuổi theo trái bóng đầu gối bị xoắn một cách quá mức nghe 1 tiếng rắc té nằm xuống đau đớn dữ dội, đầu gối sưng lên, đi tập tễnh (hoặc được cán ra sân). Sau đó vài ngày đến vài tuần, đi cảm giác thấy lỏng lẻo khớp gối, cảm thấy yếu và không an tâm ở khớp gối, đùi có vẻ bị teo nhỏ hơn bên chân lành. Tóm lại, khi khớp gối bị xoắn vặn mạnh một cách quá mức, dù có hay không có va chạm trực tiếp, nguy cơ bị đứt dây chằng chéo trước xảy ra rất cao.

Đứt dây chằng chéo trước

Đứt dây chằng chéo trước

Chẩn đoán đứt dây chằng chéo trước như thế nào?

Bác sĩ sẽ làm một số nghiệm pháp để khẳng định đứt dây chằng chéo trước như: dấu hiệu ngăn kéo trước, test Lachman, và một số nghiệm pháp khác để xác định các tổn thương phối hợp với đứt dây chằng chéo trước như: rách sụn chêm (trong, ngoài) hay đứt dây chằng bên (trong, ngoài),...

Ngoài ra, có thể chụp phim MRI (cộng hưởng từ), phim X-quang để xác định rõ toàn bộ tổn thương khi đứt dây chằng chéo trước.

Có cần thiết phải mổ hay không?

Đứt dây chằng chéo trước không phải mổ cấp cứu. Thời điểm phẫu thuật tốt thường sau 2 - 3 tuần bị chấn thương. Các phương pháp phẫu thuật cũng sẽ được đưa ra để người bệnh hiểu rõ hơn về việc tạo hình lại dây chằng chéo trước của mình như thế nào.

Đứt dây chằng chéo trước không phải mổ cấp cứu

Đứt dây chằng chéo trước không phải mổ cấp cứu

Trước khi mổ có cần tập luyện không?

Chắc chắn phải có. Sau khi chấn thương, đầu gối bớt sưng, người bệnh có thể tập những bài tập tạ vùng đùi và cẳng chân để duy trì không để teo cơ đùi một cách nhanh chóng, ngoài ra có thể đi bơi và đạp xe đạp tại chỗ. Các bài tập để kéo giãn các nhóm cơ cũng cần phải thực hiện.

Khi lấy mảnh gân ghép để tạo hình dây chằng chéo trước, chân có bị yếu đi không?

Gân cơ chân ngỗng thường được các bác sĩ chọn để tạo hình lại dây chằng chéo trước, theo các nghiên cứu gần đây cho thấy chân người bệnh sẽ không bị yếu đi khi phải lấy gân này để tạo hình lại dây chằng chéo trước của mình.

Phương pháp mổ như thế nào?

Bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp mổ tùy vào tình trạng chấn thương của người bệnh, khả năng để quay lại chơi thể thao, chi phí... Hiện nay kỹ thuật mổ nội soi tạo hình lại dây chằng chéo trước đã trở thành một kỹ thuật rất phổ biến, tỷ lệ thành công tuyệt vời lên đến hơn 96%, giúp cho người bệnh có một khớp gối vững chắc, vận động dễ dàng, quay lại chơi môn thể thao yêu thích.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật