Hạch sưng to có nguy hiểm? Khi thấy hạch sưng to, đau nên làm gì?

Danh từ "hạch" hầu hết mọi người không lạ lẫm gì. Bản chất của hạch là một tổ chức lympho nằm rải rác nhiều vị trí khác nhau trong cơ thể, có loại ở trong các tổ chức sâu như hạch trung thất, có loại hạch nằm dưới da như hạch hai bên cơ ức đòn chũm, hạch thượng đòn, hạch góc hàm, hạch bẹn... Hầu hết hạch sưng to là do cơ thể đang mắc một bệnh nào đó có thể nguy hiểm hoặc không.

Tính chất của hạch: Hạch là một tổ chức liên võng nội mô, sản sinh ra các dòng bạch cầu và đồng thời cũng sinh ra dòng kháng thể để chống lại các tác nhân lạ. Khi có tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể thì hạch phát triển to ra (sưng, đau), tuy vậy cũng có những trường hợp hạch sưng to nhưng không gây đau. Các vị trí hạch sưng to thường gần gũi với vị trí tổn thương hoặc trên đường đi của bạch mạch. Hạch sưng to có thể đứng riêng rẽ hoặc dính lại với nhau, dính vào da, dính vào tổ chức lân cận; hạch sưng to có thể di động hoặc không; có thể rắn hoặc mềm...

Một số vị trí hạch sưng to khi bị bệnh

- Hạch to ở vùng cổ, thượng đòn: Ở vùng cổ và vùng trên xương đòn có nhiều loại bệnh mà có sự kích thích làm cho hạch sưng lên như:

Lao hạch: Hạch trong lao hạch thường nhỏ nhưng nhiều, xuất hiện từ từ, hạch thường không đau (người bệnh không cảm nhận thấy hoặc thầy thuốc sờ nắn nhưng người bệnh không thấy đau). Các hạch lao thường xếp thành chuỗi dọc theo hai bên cơ ức đòn chũm. Mật độ của các hạch cũng rất khác nhau, có cái mềm có cái rắn chắc. Nếu theo dõi, quan sát thường xuyên thì thấy lúc đầu các hạch di động dễ dàng nhưng do viêm nhiễm lâu ngày nên dần dần các hạch dính lại với nhau khó di động. Một điểm nổi bật là hạch lao rất dễ bị rò chảy ra một chất giống bã đậu. Khi hạch rò, chảy ra chất bã đậu thì bờ của vết rò nham nhở (có thể nhìn bằng mắt thường hoặc bằng kính lúp). Khi hạch rò chảy ra hết chất bã đậu thì có thể lành nhưng thường để lại sẹo nhăn nhúm dọc hai bên cơ ức đòn chũm mà người ta thường gọi là chuỗi "tràng nhạc". Liên quan đến nổi hạch, người bệnh thường có sốt về chiều, ăn kém, gầy sút nhanh chóng, hay ra mồ hôi lúc ngủ.

Bệnh Hodgkin: Trong bệnh Hodgkin, người ta thường thấy hạch nổi ở hố thượng đòn bên trái lúc mới bị bệnh, dần dần cả hai hố thượng đòn đều có hạch nổi. Kèm theo hạch ở hố thượng đòn hạch nách và hạch ở trung thất cũng xuất hiện. Đặc tính của hạch trung thất thường không gây đau nên người bệnh không cảm nhận được, không hóa mủ nên không bị rò ra như trong hạch lao. Người bệnh cũng có sốt. Tính chất của sốt trong bệnh Hodgkin là sốt từng đợt và mỗi một lần sốt như vậy hạch cũ cũng to dần lên và xuất hiện thêm các hạch mới. Kèm theo còn có một số dấu hiệu đặc trưng khác như lách sưng to, rắn (có thể sờ nắn thấy hoặc siêu âm sẽ cho kết quả về kích thước của lách to ra so với lách bình thường).

Hạch vùng bẹn sưng, đau

Vùng bẹn hạch thường sưng to, đau có thể do một số bệnh nhiễm khuẩn thuộc bộ phận sinh dục - tiết niệu như bệnh do vi khuẩn họ Chlamidia, bệnh sốt viêm hạch hoa liễu bệnh giang mai do vi khuẩn giang mai gây ra. Bệnh giang mai thường có ba thời kỳ nhưng thời kỳ đầu (giang mai I) có vết loét ở bộ phận sinh dục ngoài. Vết loét này không đau, không ngứa, không hóa mủ và đặc biệt là tự khỏi (tự khỏi vết loét chứ không phải tự khỏi bệnh giang mai) không cần can thiệp gì nhưng bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn 2 (giang mai II) nguy hiểm hơn. Hạch vùng bẹn trong các loại bệnh này thường sưng to, đau, không hóa mủ, rắn, di động dễ dàng. Ngoài ra, nếu người bệnh bị tổn thương nhiễm khuẩn (vết xây xước, áp-xe mụn nhọt ) ở vùng chi dưới, vùng quanh hố chậu thì hạch bẹn cũng sưng to và đau.

Nổi hạch do viêm nhiễm: Một số bệnh nhiễm khuẩn cấp tính như viêm amidan sang chấn phần mềm nhiễm khuẩn và xuất hiện gần vùng tổn thương. Kèm theo hạch sưng to là sốt nhưng khi điều trị hết hiện tượng nhiễm khuẩn thì hạch cũng trở về trạng thái bình thường như ban đầu.

Một số hạch đặc biệt như ung thư hạch: Hạch sưng to ở nhiều vị trí trên cơ thể như hạch thượng đòn, hạch nách, hạch mạc treo, hạch trung thất... Hạch phát triển nhanh và dính lại với nhau; ấn vào đau, mật độ rắn, rất khó di động (vì chúng dính lại với nhau và dính vào tổ chức lân cận). Một số bệnh về máu cũng có hạch to như bệnh bạch cầu cấp, hạch thường to, mềm, di động xuất hiện nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể mà bình thường vẫn có hạch như hố thượng đòn, nách, bẹn, trung thất, mạc treo. Kèm theo hạch to là sốt cao, lách to nhanh xuất huyết Trong bệnh bạch cầu mạn tính thể lympho thì nhiều hạch nhưng bé, phát triển nhanh, lâu dần (vài ba tháng) hạch to ra, mềm và di động được. Ngoài ra, hạch có thể bị sưng to trong một số bệnh về máu, bệnh truyền nhiễm khác.

Khi thấy hạch sưng to, đau nên làm gì?

Hạch sưng to đau hoặc không, có nhiều nguyên nhân như đã nói phần trên. Hạch sưng to có thể nguy hiểm hoặc không, vì vậy khi thấy có hiện tượng bất thường trong cơ thể và kèm theo hạch sưng to, đau (hoặc không) cần phải hết sức bình tĩnh không nên lo lắng quá và nên đi khám bác sĩ ngay, nhất là hạch to kèm theo sốt hoặc sốt nhẹ về chiều hoặc sốt từng đợt hoặc thay đổi bất thường... Không nên tự mua thuốc để điều trị sẽ để lại nhiều bất cập khó lường trước. Không nên xét nghiệm hạch ở cơ sở dịch vụ y tế thông thường vì không đủ trang thiết bị y tế xét nghiệm dễ bị nhầm gây hoang mang có khi không đúng với bệnh cảnh của nó.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật