Hỏi đáp về bệnh bại liệt và vắc-xin phòng bại liệt nên biết

Thực hiện Kế hoạch bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt giai đoạn 2016-2020 được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 1358/QĐ-BYT ngày 14/4/2016, Dự án Tiêm chủng mở rộng thực hiện chuyển đổi sử dụng vắc-xin bại liệt uống 2 týp (bOPV) thay thế cho vắc-xin phòng bại liệt uống 3 týp (tOPV) trên cả nước từ tháng 5/2016 cùng với hơn 150 quốc gia để hướng tới mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu.

Dưới đây là một số câu hỏi - đáp về bệnh bại liệt, vắc-xin tOPV, bOPV giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về việc chuyển đổi sử dụng vắc-xin bại liệt tại Việt Nam.

Tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm hoặc uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: TM

Tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm hoặc uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: TM

Câu 1. Bệnh bại liệt là bệnh gì?

Bại liệt là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virut Polio (bại liệt) gây ra. Virut bại liệt gồm 3 týp 1, 2 và 3. Sau khi vào cơ thể virut sẽ xâm nhập hệ thống thần kinh trung ương gây nên tổn thương ở các tế bào thần kinh vận động. Bệnh có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng liệt không hồi phục và tàn tật suốt đời. Virut bại liệt có thể lây truyền, gây thành dịch lớn nếu miễn dịch cộng đồng thấp (tỷ lệ uống vắc-xin phòng bệnh thấp).

Câu 2. Bệnh bại liệt lây truyền như thế nào?

Bệnh bại liệt lây truyền từ người sang người qua đường tiêu hóa Virut bại liệt từ người bệnh hoặc người lành mang trùng gây lây nhiễm qua nguồn nước thực phẩm rồi vào đường tiêu hóa. Những trường hợp không có miễn dịch, virut có thể xâm nhập từ đường ruột vào cơ thể, nhân lên và gây bệnh. Những người này tiếp tục gây bệnh cho những người xung quanh.

Bệnh rất dễ lây. Hầu hết trẻ em sống cùng nhà hoặc tiếp xúc với người mang mầm bệnh có thể bị nhiễm virut. Người bệnh có khả năng đào thải virut từ 10 ngày trước đến 14 ngày sau khi phát bệnh. Những người lành mang virut cũng có thể trở thành nguồn truyền bệnh.

Câu 3. Làm thế nào để phòng bệnh bại liệt?

Tạo miễn dịch chủ động thông qua tiêm hoặc uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.

Câu 4. Bệnh bại liệt tại Việt Nam có phải bệnh phổ biến không?

Tại Việt Nam, trước khi có vắc-xin phòng bệnh, bệnh bại liệt là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và để lại di chứng nặng nề ở trẻ dưới 5 tuổi, bệnh bại liệt đã từng gây ra các vụ dịch quy mô lớn với nhiều trường hợp mắc và tử vong.

Nhờ triển khai uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt và nhiều năm duy trì tỷ lệ uống vắc-xin ở mức cao trên 90%, bệnh bại liệt đã dần được khống chế, ca bệnh cuối cùng được ghi nhận tại Việt Nam là từ năm 1997. Việt Nam đã chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận thanh toán bệnh bại liệt vào năm 2000. Trong 15 năm qua, bên cạnh việc triển khai cho trẻ uống 3 liều vắc-xin bại liệt tOPV trong tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 2, 3 và 4 tháng, các chiến dịch uống vắc-xin bại liệt bổ sung đã được triển khai tại các vùng nguy cơ cao. Nhờ vậy, Việt Nam vẫn duy trì thành quả này trong khi virut bại liệt tiếp tục lưu hành trên thế giới.

Câu 5. Tại sao vẫn phải uống vắc-xin phòng bệnh bại liệt khi chúng ta đã thanh toán được bệnh bại liệt?

Tại Việt Nam, bệnh bại liệt đã được thanh toán từ năm 2000. Tuy nhiên, trong bối cảnh virut bại liệt hoang dại vẫn còn lưu hành tại một số quốc gia trên thế giới cùng với việc mở rộng giao lưu quốc tế cho thấy nguy cơ lây truyền bệnh bại liệt vẫn còn hiện hữu. Việc duy trì miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt là rất cần thiết cho đến khi bệnh bại liệt được thanh toán hoàn toàn trên quy mô toàn cầu.

Câu 6. Có những loại vắc-xin phòng bại liệt nào?

Có 2 loại vắc-xin phòng bại liệt:

Vắc-xin sống giảm độc lực dạng uống (OPV): chứa virut bại liệt sống đã làm suy yếu, có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch. Miễn dịch này giúp cơ thể phòng vệ không cho virut xâm nhập cơ thể.

Vắc-xin bất hoạt dạng tiêm (IPV): chứa virut bại liệt chết (sau khi xử lý) có tác dụng kích thích cơ thể tạo miễn dịch phòng bệnh. Vắc-xin này có thể ở dạng phối hợp với một số vắc-xin khác.

Câu 7. Vắc-xin tOPV, bOPV và vắc-xin IPV là những vắc-xin gì? Các vắc-xin này đã được dùng ở đâu?

Hiện nay có một số loại vắc-xin phòng bại liệt bao gồm: vắc-xin OPV chứa 3 týp kháng nguyên bại liệt (tOPV) 1, 2, 3 đã được triển khai cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi trên thế giới hơn 50 năm qua.

Vắc-xin được khẳng định là an toàn và có hiệu quả cao trong phòng bệnh bại liệt.

Vắc-xin OPV chứa 2 týp kháng nguyên bại liệt (bOPV) 1 và 3, đã được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng thay thế cho vắc-xin tOPV tại hơn 150 nước.

Vắc-xin IPV chứa 3 týp kháng nguyên bại liệt 1, 2, 3. Hiện nay vắc-xin này đã được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại nhiều nước. Tại Việt Nam vắc-xin này dự kiến sẽ được triển khai trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2018.

Câu 8. Tại sao các nước phải chuyển từ vắc-xin tOPV sang sử dụng vắc-xin bOPV? Vậy vắc-xin tOPV có an toàn không?

Vắc-xin OPV là dạng vắc-xin sống, chứa các thành phần virut bại liệt được làm suy yếu nên có tỷ lệ rất nhỏ nguy cơ virut biến đổi và có khả năng gây bệnh ở cộng đồng. Hiện tượng này chỉ xảy ra ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Mặc dù tỷ lệ này là rất hiếm nhưng trên thế giới cũng đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh bại liệt do virut có nguồn gốc vắc-xin và thường gặp nhất là virut týp 2.

Từ tháng 9/2015, WHO đã công bố thanh toán bệnh bại liệt týp 2 hoang dại trên toàn cầu. Hướng tới một thế giới không còn bệnh bại liệt, WHO giới đặt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt trên toàn cầu. Để thực hiện mục tiêu quan trọng này, WHO yêu cầu các quốc gia cần thay thế vắc-xin bại liệt 3 týp (tOPV) bằng sử dụng vắc-xin bại liệt uống 2 týp (bOPV).

Câu 9. Trẻ đang uống vắc-xin tOPV chuyển sang uống bOPV có ảnh hưởng gì không?

Cả hai loại vắc-xin OPV đều an toàn và hiệu quả. Vắc-xin bOPV tương tự như vắc-xin tOPV về dạng vắc-xin, phương pháp bảo quản, chỉ khác nhau về thành phần kháng nguyên phòng bệnh bại liệt. Lịch tiêm chủng vắc-xin bOPV trong Tiêm chủng mở rộng tương tự vắc-xin tOPV, cụ thể:

Liều 1: khi trẻ 2 tháng tuổi

Liều 2: khi trẻ 3 tháng tuổi

Liều 3: khi trẻ 4 tháng tuổi

Do vậy, nếu trẻ đang uống vắc-xin tOPV có thể chuyển sang tiếp tục uống bOPV mà không phải uống lại từ đầu.

Câu 10. Kế hoạch chuyển đổi từ vắc-xin tOPV sang bOPV tại Việt Nam như thế nào?

Từ tháng 5/2016, vắc-xin tOPV sẽ ngừng sử dụng trên toàn quốc. Từ tháng 6/2016, Chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ chuyển sang sử dụng vắc-xin OPV 2 týp (bOPV) thay thế cho vắc-xin bại liệt uống 3 týp (tOPV) trước đây.

Câu 11. Đã có bao nhiêu nước thực hiện chuyển đổi vắc -xin này?

Theo yêu cầu của WHO, tất cả các nước sử dụng vắc-xin tOPV sẽ thực hiện chuyển đổi sang vắc-xin bOPV từ tháng 5/2016. Đến nay tất cả các nước đã thực hiện hoạt động này, trong đó có Việt Nam.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật