Bé TRỐN BÒ có phát triển bình thường hay không và đây là giải đáp của chuyên gia Nhi khoa

Trẻ thường phải trải qua nhiều giai đoạn lẫy, trườn, bò rồi mới tập đi. Thế nhưng, có nhiều trẻ lại trốn bò mà biết đi luôn, như vậy liệu có ảnh hưởng gì đến sự phát triển chung của trẻ và nguyên nhân là do đâu.

Giai đoạn tập bò của bé thường dao động từ tháng thứ 9. Đến giai đoạn này, sau khi đã ngồi vững, bé sẽ bắt đầu tập bò bằng cách cúi người về phía trước, chống 2 tay và chân, đẩy cơ thể tiến lên phía trước.

Hoạt động bò mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung của bé:

- Hoàn thiện kĩ năng vận động tổng thể: Khi bò, toàn bộ các bộ phận trên cơ thể bé như cánh tay bàn tay chân, đầu gối sẽ cùng phối hợp giúp bé nâng người và tiến lên phía trước. Trong đó, kĩ năng vận động tinh thông qua các ngón tay, bàn tay sẽ giúp bé bò vững vàng.

- Học cách giữ cơ thể thăng bằng: Bé sẽ tự điều chỉnh cơ thể để có thể thăng bằng bằng với hai tay và hai chân và giữ cho cơ thể không bị ngã trong lúc bò.

- Phối hợp tay-mắt nhịp nhàng: Trong khi bò, bé sẽ học cách tập trung để nhìn và định hướng, tay sẽ hướng cơ thể di chuyển theo hướng quan sát của mắt.

- Khám phá bản thân: Khi mới tập bò, bé có thể hơi e dè và chỉ rướn người để cố nhích lên. Khi quen hơn và có thêm kinh nghiệm, bé sẽ vươn ra không gian xa hơn và bò xung quanh. Trong quá trình đó, bé tiếp tục khám phá ra cách để điểu chỉnh thao tác của mình, làm sao để bò xoay vòng hay bò chậm lại để tránh chướng ngại vật và không làm bé bị đau

- Bé tự tin hơn: Bất cứ đứa trẻ nào cũng sẽ muốn được cha mẹ khen khi đạt cột mốc nào đó. Với trẻ tập bò cũng vậy, cha mẹ hãy khích lệ bé mỗi khi bé bò được 1 quãng đã đặt ra trước đó. Điều này giúp bé tự tin và mạnh dạn phát triển xa hơn.

Giai đoạn tập bò của bé thường dao động từ tháng thứ 9 trở đi (Ảnh minh họa).

Giai đoạn tập bò của bé thường dao động từ tháng thứ 9 trở đi (Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, không phải tất cả các bé đều theo đúng “quy trình” mà có những bé bỏ qua giai đoạn trườn, bò và tập đi luôn. Vậy điều này có đáng lo ngại và có ảnh hưởng gì đến sự phát triển chung của trẻ hay không?

Để giải đáp những thắc mắc này, Tiến sĩ Nhi khoa Yang Linqi đến từ Trung tâm Thomson Pediatrician và bác sĩ vật lý trị liệu cấp cao Chong Hui Ngoh của trung tâm phụ hồi chức năng NUH (Singapore) chia sẻ kiến thức tổng quan về việc bé trốn bò và những lưu ý trong giai đoạn này đến các bậc phụ huynh như sau:

1. Cha mẹ không cần quá lo lắng khi có con trốn bò

Theo các chuyên gia, cha mẹ nên xem xét tổng thể toàn bộ quá trình phát triển của trẻ để phát hiện điểm bất thường. Việc trẻ “trốn” bò có thể do trẻ khám phá ra được cách khác để di chuyển mà không ảnh hưởng gì. Nếu trẻ phát triển vẫn tốt, không có dấu hiệu chậm chạp, mặc dù bỏ qua cột mốc biết bò nhưng trẻ vẫn tiếp tục cột mốc phía sau bình thường đó là có thể đứng vững, đi rồi chạy thì cha mẹ không cần lo lắng.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Chong cho biết nếu trẻ có dấu hiệu bỏ qua giai đoạn bò và chậm phát triển ở các khía cạnh khác thì cha mẹ nên cho trẻ đến gặp bác sĩ vì rất có thể trẻ bị yếu cơ Với 1 số trẻ, bò là giai đoạn để toàn bộ cơ thể phối hợp vận động. Nếu bỏ qua, trẻ sẽ không có cơ hội để căng các mô mềm ở tay và tăng sự dẻo dai ở phần phía trên cơ thể, trẻ không được thực hành bằng cả hai tay dẫn đến nguy cơ gặp khó khăn trong việc việc tự xúc ăn, tập viết và chơi thể thao sau này.

2. Tạo cơ hội cho trẻ được phát triển kĩ năng bò

Tiến sĩ Yang khuyến nghị cha mẹ nên tạo môi trường thuận lợi và an toàn giúp trẻ có cơ hội được bò. Ví dụ: Đặt miếng đệm chắc cho bé tập bò, đặt trước mặt trẻ những món đồ chơi yêu thích để kích thích bé bò. Những lời khen ngợi, động viên của cha mẹ cũng góp phần kích thích bé mạnh dạn hơn.

Ngoài ra, Tiến sĩ Chong gợi ý cha mẹ có thể cho bé nằm sấp úp bụng xuống để chơi đùa khi bé được 4-5 tháng tuổi. Việc này cũng giúp tạo tiền đề cho kĩ năng tập bò sau này của trẻ.

3. Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé

Trẻ bước giai đoạn tập bò sẽ cần nhiều năng lượng hơn so với lúc trước còn nằm yên. Các chuyên gia lưu ý, ngoài sữa mẹ các bé hầu hết cần bổ sung thêm thức ăn thô và các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng khác.

Chế độ dinh dưỡng giàu calo sẽ giúp trẻ có đủ năng lượng trong giai đoạn biết bò. (Ảnh minh họa)

Chế độ dinh dưỡng giàu calo sẽ giúp trẻ có đủ năng lượng trong giai đoạn biết bò. (Ảnh minh họa)

4. Hướng dẫn con động tác đúng

Trên thực tế, có nhiều bậc cha mẹ cố gắng thay đổi động tác bò của con. Chuyên gia cho rằng việc này không cần thiết và cũng không phải dễ. Mỗi đứa trẻ có 1 phong cách khác nhau, cha mẹ chỉ nên hướng dẫn con những động tác cơ bản. Đó là cách “bước” đi bằng đầu gối và chân với vùng bụng úp xuống phía dưới sao cho cân bằng. Điều này giúp trẻ giữ thăng bằng và không bị lao người về phía trước rồi ngã.

5. Đảm bảo an toàn quanh khu vực trẻ sẽ bò đến

Các chuyên gia cảnh báo cha mẹ về môi trường xung quanh khi bé đến giai đoạn tập bò. Cha mẹ cần đảm bảo an toàn cho trẻ, loại bỏ các vật sắc nhọn, đồ dễ vỡ, vật nhỏ, ổ điện… có thể gây nguy hiểm cho trẻ. Chặn lối ra vào các khu vực khác trong nhà (toilet, bếp), loại bỏ các loại dây trong phòng (cáp tivi, điện thoại, dây điện), không để các vật dụng nhỏ (cúc áo, viên bi) trong phòng trẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật