Việt Nam đi đầu trong cuộc chiến chống lại suy dinh dưỡng - Các bạn tham khảo thêm nhé!

Trong 6 năm qua, dự án Nuôi dưỡng và Phát triển Alive & Thrive (A&T) đã tạo được tác động lớn tới tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ quan trọng khác ở Việt Nam.

* Công bố Bộ giáo trình Quốc gia về  Nuôi dưỡng trẻ nhỏ

Hôm nay 9/12, tại hội thảo tổng kết dự án A&T, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong 6 năm qua, A&T đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia đi đầu trong cuộc chiến chống lại suy dinh dưỡng với rất nhiều nỗ lực và sáng tạo. A&T là một sáng kiến được thực hiện trong 6 năm nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở Việt Nam thông qua việc cải thiện các thực hành nuôi dưỡng trẻ nhỏ tối ưu.

Đây là những phương tiện cần thiết để giảm thấp còi – một chỉ số về suy dinh dưỡng báo trước những tác động khó có thể khắc phục được lên sức khỏe và các thành quả phát triển kinh tế, xã hội của mỗi cá nhân. Khi bị nhân rộng trên cả nước, những thiệt hại này làm giảm tổng sản phẩm quốc dân (GDP) ít nhất 8%.

Những kết quả hoạt động của dự án cho thấy hai mô hình tương tác quan trọng, là hệ thống phòng tư vấn theo phương thức nhượng quyền xã hội mang tên Mặt Trời Bé Thơ và nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ, nhằm hướng tới các bà mẹ ở khắp mọi miền, đã góp phần gia tăng đáng kể tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) hoàn toàn và các cải thiện khác trong lĩnh vực cho ăn bổ sung. Những tác động từ chiến dịch truyền thông đại chúng và chương trình hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc cũng được chia sẻ tại hội thảo này.

Mục tiêu của dự án là tăng gấp đôi tỉ lệ NCBSM hoàn toàn – có nghĩa là trẻ chỉ  bú mẹ trong 6 tháng đầu đời, không cả uống thêm nước. Từ năm 2010 đến năm 2014, tỉ lệ NCBSM hoàn toàn đã tăng từ 19% lên 58%, có nghĩa là gần gấp 3 lần, trên địa bàn có hoạt động của các phòng tư vấn Mặt Trời Bé Thơ, nơi các bà mẹ nhận được dịch vụ tư vấn nuôi dưỡng trẻ nhỏ chất lượng cao.

“Kết quả quan trọng nhất là những thực hành đã được cải thiện này sẽ tác động lên sức khỏe và hạnh phúc của nguồn nhân lực quý giá nhất của Việt Nam – đó là trẻ em. Với việc tạo chuẩn mực xã hội mới cho NCBSM, một thế hệ trẻ em được nuôi dưỡng tốt sẽ được tạo điều kiện để đạt được tiềm năng tối đa của mình trong cuộc sống”- bà Ellen Piwoz, Cán bộ dinh dưỡng cao cấp của nhà tài trợ dự án – Quỹ Bill & Melinda Gates phát biểu. 

Nhóm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ nhỏ được thiết lập ở những vùng sâu, vùng xa không nằm trong độ bao phủ của hệ thống y tế công, là một mô hình quan trọng giúp tiếp cận các cộng đồng dân tộc thiểu số. Mô hình này đã góp phần tăng tỉ lệ NCBSM hoàn toàn cao hơn gấp 5 lần những nơi không có can thiệp.

Chiến dịch truyền thông đại chúng bao gồm quảng cáo trên TV, đài và loa phát thanh, các ấn phẩm in, biển hiệu ngoài trời và trên xe buýt cũng được thực hiện. Kết quả đánh giá cho thấy bà mẹ nào nhớ được càng nhiều thông điệp từ các quảng cáo này thì càng có xu hướng NCBSM hoàn toàn. Nếu tất cả mọi người được biết tới quảng cáo trên TV, ước tính tỉ lệ NCBSM sẽ tăng được 16 điểm phần trăm trên toàn quốc.

Hội thảo cũng ghi nhận những chuyển biến gần đây trong môi trường chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Nhiều cơ quan tham gia hội thảo đã tích cực hỗ trợ để Quốc hội quyết định tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng, đồng thời thắt chặt quy định cấm quảng cáo các sản phẩm thay thế sữa mẹ cho trẻ dưới 24 tháng tuổi. Những kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy các bà mẹ hưởng chế độ nghỉ thai sản có nhiều xu hướng NCBSM hoàn toàn.

Kết quả của chương trình hỗ trợ NCBSM tại nơi làm việc được thực hiện với sự hợp tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và khối tư nhân trên cả nước, là 70 phòng vắt, trữ đã được lắp đặt tại các nơi làm việc bao gồm các cơ quan nhà nước, công ty dệt may, linh kiện điện tử, và các ngành khác. Kinh nghiệm thực hiện hoạt động cho thấy với chi phí hợp lý và qua các bước đơn giản, các nơi làm việc đều có thể trở nên thân thiện với NCBSM hơn, cho phép người mẹ cân bằng được vai trò làm mẹ và sự nghiệp của mình.


“Giờ đây Việt Nam đang dẫn đầu trong việc thực hiện một loạt các can thiệp thành công nhằm cải thiện dinh dưỡng trẻ nhỏ có thể được nhân rộng ở các nước khác trên toàn cầu. Song công việc vẫn chưa hoàn tất.

Chúng tôi thật sự hy vọng rằng  Chính phủ Việt Nam và các đối tác sẽ duy trì bền vững và mở rộng các can thiệp này để tiếp cận được ngày càng nhiều bà mẹ và trẻ em trên toàn Việt Nam hơn nữa – đó mới là thước đo cuối cùng của sự thành công”- bà Jean Baker, Giám đốc Toàn cầu Alive & Thrive nhấn mạnh.

Tại hội thảo, Cẩm nang hướng dẫn thực hiện chương trình NCBSM, được xây dựng trên cơ sở đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam, cũng được ra mắt và giới thiệu rộng rãi với các cá nhân, tổ chức quan tâm tới việc triển khai mô hình này, cũng như với các quốc gia khu vực Đông Nam Á và quốc tế.

Dù đã có nhiều thành tựu đáng kể, vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam. Các diễn giả tham gia hội thảo đã nêu bật những can thiệp thành công cần được duy trì bền vững và mở rộng để hướng tới nhiều người ở các tỉnh thành khác của Việt Nam hơn nữa. Vẫn cần đảm bảo một cơ chế bảo hiểm để mọi gia đình có thể nhận được dịch vụ tư vấn và điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ nhỏ. Ngoài ra tỉ lệ cho bú sớm và tiếp tục cho bú cùng với cho ăn bổ sung cho tới khi trẻ được 24 tháng, vẫn còn cần được cải thiện thêm.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật