Hôn nhân cận huyết thống: Nguyên nhân làm suy giảm sức khỏe giống nòi

Ngoài những khó khăn về đời sống kinh tế - xã hội cùng với những suy nghĩ lạc hậu, sai lầm, quan hệ hôn nhân cận huyết thống đang là nguyên nhân làm suy giảm sức khoẻ, tăng tỷ lệ bệnh tật do kết hợp gen mang lại, gây suy thoái chất lượng giống nòi ở một số dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Thực trạng theo tập tục

Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân nội tộc, chỉ những cặp hôn nhân trong cùng một nhóm thân tộc, họ hàng bởi luật tục hoặc tập quán quy định có mối quan hệ huyết thống với nhau theo dòng họ mẹ hoặc dòng họ cha. Hay nói cách khác, hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có cùng dòng máu trực hệ.

Theo quan niệm của một số học giả Việt Nam thì hôn nhân cận huyết thống của các dân tộc thiểu số ở nước ta bao gồm các trường hợp sau: Hôn nhân anh chị em họ chéo (tức hôn nhân con cô con cậu): Con cô con cậu lấy nhau, có thể là con gái cô lấy con trai cậu, hoặc con gái cậu lấy con trai cô; Hôn nhân anh chị em họ song song tức hôn nhân con gì - con già và (hôn nhân con chú - con bác). Một biểu hiện rõ nét của hôn nhân cận huyết thống ở miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hôn nhân con cô con cậu. Đây là hình thức hôn nhân giữa con của anh hoặc em trai với con của chị hoặc em gái.

Ông Đặng Văn Nghị - Phó Vụ trưởng Vụ Dân số, Tổng Cục DS-KHHGĐ cho biết: Hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống còn phổ biến ở nhiều vùng, nhiều dân tộc, đặc biệt là một số dân tộc vùng cao, vùng sâu như Lô Lô, Hà Nhì, Phù Lá, Chứt, Ê đê, Chu Ru. Đặc biệt là các dân tộc Si La (Điện Biên, Lai Châu), Lô Lô, Pu Péo (Hà Giang), Rơ Mân, Brâu (Kon Tum) là những dân tộc dưới 1.000 dân đang có nguy cơ suy giảm do tình trạng hôn nhân cận huyết.

Theo TS. Trịnh Hòa Bình- Viện Xã hội, trường hợp hôn nhân con cô con cậu xảy ra khá phổ biến trong cộng đồng người Lô Lô. Cứ 50 trường hợp kết hôn thì có 12 trường hợp kết hôn là con cô, con cậu. Tại thị trấn Mèo Vạc (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) có 50 hộ thì có 8 trường hợp kết hôn con cô, con cậu; xã Hồng Trị năm 2005 trong 12 trường hợp kết hôn thì có tới 8 trường hợp là quan hệ hôn nhân con cô con cậu. Theo tập tục, người Brâu dù có họ trong 3 đời, nhưng khi ưng nhau thì có thể làm lễ cưới. Họ lí giải "nếu lấy người khác thì của cải bị chia sẻ... Người dân tộc Rơ Măm, anh rể được phép lấy em gái vợ nếu vợ đã chết...

Dưới góc nhìn của các nhà khoa học

TS. Dương Bá Trực, Trưởng khoa Huyết học Di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Những đứa trẻ sinh ra từ các cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống dễ có nguy cơ mắc các bệnh di truyền do sự kết hợp của các gen mang bệnh. Bệnh tan máu bẩm sinh là một ví dụ, trẻ có thể bị biến dạng xương mặt, bụng phình to, nguy cơ tử vong rất cao.

Thực tế y học đã chứng minh hôn nhân cận huyết thống là cơ sở cho những gen lặn bệnh lý tương đồng ở những ông bố, bà mẹ kết hợp với nhau và kết quả là dù khoẻ mạnh, họ vẫn có thể sinh ra con dị dạng hoặc bệnh di truyền như mù màu (không phân biệt được màu đỏ và màu xanh), bạch tạng, da vảy cá, đặc biệt là bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) mở đầu cho cuộc sống tàn phế suốt đời...

Để nâng cao chất lượng dân số các dân tộc thiểu số, các chuyên gia đều chỉ ra rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên nâng cao nhận thức của đồng bào về Luật Hôn nhân và Gia đình, cần có những chính sách và giải pháp hữu hiệu, đồng bộ để phát triển kinh tế - xã hội - văn hoá cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Để giải quyết thực trạng trên, Bộ Y tế đang triển khai dự án can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giai đoạn 2009 - 2010 tại 5 tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Đắk Lắk với mục tiêu giảm tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống nhằm nâng cao chất lượng dân số. Đây là mô hình mới có ý nghĩa quan trọng đối với người dân, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số miền núi, vùng cao, góp phần giảm tỉ lệ dị tật bẩm sinh của trẻ và góp phần nâng cao chất lượng dân số.

Thay đổi nhận thức là mấu chốt

Tuy nhiên thách thức lớn nhất của đề án là làm sao thông tin tới được tới đồng bào vùng sâu, vùng xa, nhất là khi trình độ văn hoá và nhận thức của cán bộ địa phương còn hạn chế ? Tại Hội thảo bàn về những giải pháp nâng cao chất lượng dân số các dân tộc ít người ở Việt Nam vào cuối tháng 12 năm 2009, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về các dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều đưa ra ý kiến cho rằng, hiện công tác tuyên truyền còn nhiều bất cập.

Vẫn còn tư tưởng cho rằng tuyên truyền vận động vấn đề này là trách nhiệm của ngành y tế, cán bộ dân số. Các dân tộc thiểu số ở nước ta thường cư trú ở những địa bàn giao thông kém phát triển lại mang tính khép kín, do đó ngoài sự phối hợp tuyên truyền của chính quyền, đoàn thể thì vai trò của các cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản, các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng rất quan trọng. Chính họ mới là những người gần dân nhất, hiểu được các phong tục tập quán, sinh hoạt của đồng bào để vận dụng các hình thức tuyên truyền hiệu quả nhất. Do vậy, ngoài việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Nhà nước, ngành y tế cần tăng mức đầu tư cho y tế miền núi, tích cực đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách khuyến khích thoả đáng đối với cán bộ y tế miền núi, chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ y tế người dân tộc thiểu số về phục vụ địa phương.

Các cộng tác viên dân số, nhân viên y tế thôn bản cần tuyên truyền cho người dân hiểu được hậu quả của hôn nhân cận huyết thống đối với sức khoẻ của thế hệ tương lai cũng như chất lượng giống nòi dân tộc mình bằng các hình thức, phương tiện tuyên truyền phù hợp, trực tiếp: giải thích rõ thế nào là hôn nhân cận huyết thống? tác hại của nó như thế nào đối với thế hệ con cháu? lấy ví dụ cụ thể bằng người thật, việc thật xảy ra ngay tại địa phương mình để đồng bào được "mắt thấy tai nghe" về hậu quả của hôn nhân cận huyết thống, nhằm nâng cao nhận thức và từng bước cải thiện chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật