Đầu tư chăm sóc sức khỏe sinh sản - Nâng cao chất lượng dân số

Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (CSSKSS) là cách trực tiếp nhất để nâng cao chất lượng dân số. Thời gian qua, ngành y tế đã rất quan tâm triển khai nhiều biện pháp, đầu tư kinh phí cũng như mở rộng xã hội hóa dịch vụ CSSKSS, do đó công tác này đã đáp ứng khá kịp thời nhu cầu của xã hội.

Trong một khảo sát về phát triển dịch vụ CSSKSS tại 14 quận, huyện phía Tây Hà Nội gồm: Hà Đông, Sơn Tây, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Mỹ Đức do Trung tâm SKSS Hà Đông (Hà Nội) tiến hành trong 6 năm 2008-2014 cho thấy, nhận thức của người dân về CSSKSS tăng rõ rệt và tỷ lệ bà mẹ được chăm sóc trước đẻ so với tổng số đẻ tăng từ 78% (năm 2008) lên 94% (năm 2014).

Trong giai đoạn qua Hà Nội đã nỗ lực nhằm tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ CSSKSS cho người dân tại 14 xã miền núi thuộc các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức, hệ thống CSSKSS đã kết hợp với ngành DS-KHHGĐ hàng năm tổ chức chiến dịch lồng ghép về KHHGĐ, theo đó rất nhiều dịch vụ KHHGĐ đã được thực hiện mà người dân không phải trả chi phí.  Ở một số địa phương đã triển khai y tế thôn bản nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc thai nghén giáo dục sức khỏe vận động sinh đẻ tại cơ sở y tế,  phát hiện và chuyển tuyến kịp thời các trường hợp nguy cơ cao nhằm giảm tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh Tuy vậy, công tác CSSKSS vùng ngoại thành Hà Nội vẫn còn  những bất cập như tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở rất thấp, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ sinh con tại các trạm y tế xã giảm từ 60% năm 2008 xuống còn 30% năm 2014. Mặt khác, các cơ sở y tế tư nhân có tham gia cung cấp dịch vụ, nhưng chưa được tham gia đào tạo cập nhật, chưa được giám sát, kiểm tra thường xuyên về chất lượng nên khó khăn trong công tác quản lý.

Để góp phần đạt được mục tiêu: “Tăng cường công tác CSSKSS sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh giảm mạnh tỷ lệ suy dinh dưỡng để cải thiện các chỉ số cơ bản của trẻ em 5 tuổi và đảm bảo các tiêu chí đánh giá thể lực tầm vóc thân thể của thanh niên Việt Nam lứa tuổi trưởng thành” đã được xác định tại “Đề án tổng thể Phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” theo Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều cần thiết đối với khu vực phía Tây Hà Nội hiện nay là phát triển dịch vụ CSSKSS bao hàm các công việc như: kiện toàn mạng lưới cung cấp dịch vụ SKSS; phát triển cả về số lượng và quy mô dịch vụ CSSKSS, nâng cao chất lượng dịch vụ, hoàn thiện hệ thống hậu cần phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS, mở rộng cung cấp các dịch vụ tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Tăng cường năng lực mạng lưới cung cấp dịch vụ có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tế vùng, địa phương và nhu cầu thực tế của các nhóm đối tượng, ưu tiên vùng khó khăn; kiện toàn và phát triển mạng lưới chăm sóc sơ sinh. Củng cố, hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ SKSS dựa vào cộng đồng thông qua đội ngũ cộng tác viên dân số, y tế thôn bản. Đảm bảo cung cấp các gói dịch vụ dân số và SKSS thiết yếu ở tất cả các tuyến, đặc biệt là tuyến cơ sở. Tuyến huyện tập trung tăng cường các dịch vụ cấp cứu sản khoa, nhi khoa, hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến xã bằng nhiều hình thức bao gồm cả đội lưu động. Tuyến tỉnh tập trung tăng cường các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán ung thư chẩn đoán và điều trị vô sinh hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến huyện và xã. Tuyến Trung ương tập trung tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới, tiên tiến, cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ cho tuyến tỉnh. Xây dựng và thực hiện quy trình kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật các dịch vụ SKSS tại tất cả các tuyến, các cơ sở cung cấp dịch vụ, kể cả y tế tư nhân. Bổ sung nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng thực hành cho nhân viên cung cấp dịch vụ SKSS theo phân cấp và phân tuyến kỹ thuật. Chú trọng kỹ năng tư vấn và giáo dục sức khỏe cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường quảng bá cho dịch vụ y tế sẵn có tại cơ sở y tế thông qua truyền thông, để người dân biết đến dịch vụ tại địa bàn của mình, nhằm tăng sử dụng, tránh lên tuyến trên đỡ tốn kém. Đồng thời chất lượng dịch vụ tại cơ sở y tế cũng cần phải được nâng cao tương ứng để khách hàng có thể nhận được dịch vụ với chất lượng mong muốn, giá cả phù hợp.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật