Nhau tiền đạo và vết mổ lấy thai cũ có ảnh hưởng gì hay không?

Nhau là cơ quan trao đổi chất dinh dưỡng giữa mẹ và con, bảo đảm cho sự nuôi dưỡng bào thai, bảo vệ cho thai nhi tránh sự xâm nhập của vi khuẩn, các độc tố, miễn dịch giữa mẹ và thai nhi, giúp thai có thể ghép vào cơ thể mẹ để phát triển.

Bình thường thì nhau bám ở đáy tử cung và sau khi sổ thai, tử cung co nhỏ lại làm nhau tróc ra dần dần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp bệnh lý, nhau không nằm ở vị trí bình thường nữa và cũng không tróc một cách tự nhiên, kết quả là sẽ dẫn đến những tai biến trong sản khoa đó là trường hợp nhau tiền đạo (NTĐ), nhau cài răng lược (NCRL) là những bệnh lý nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong

NTĐ là tình trạng nhau không bám ở vùng đáy tử cung như thông thường, mà một phần hay toàn bộ bánh nhau bám vào ở đoạn eo tử cung. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu trong 3 tháng cuối của thai kỳ và là nguyên nhân gây băng huyết nặng sau sinh.

Bình thường thì nhau bám ở đáy tử cung và sau khi sổ thai, tử cung co nhỏ lại làm nhau tróc ra dần dần

Bình thường thì nhau bám ở đáy tử cung và sau khi sổ thai, tử cung co nhỏ lại làm nhau tróc ra dần dần

Nhiều nghiên cứu cho thấy có sự liên quan mật thiết giữa số lần mổ lấy thai và bệnh lý NTĐ: nguy cơ NTĐ trên những tử cung không có vết mổ lấy thai là 0,26% nhưng tỷ lệ này có thể tăng đến 10% nếu có mổ lấy thai.

Ngoài ra, có một tình trạng bệnh lý nhau đáng quan tâm đi kèm theo NTĐ có thể làm hậu quả nặng thêm - đó là NCRL – bánh nhau không chỉ nằm ở vị trí bất lợi cho cuộc sinh mà còn nguy hiểm ở chỗ sau khi sổ thai xong thì nhau không tróc tự nhiên, bám rất chắc vào cơ tử cung, thậm chí xuyên thủng cả tử cung để xâm lấn vào cơ quan lân cận như bàng quang. NCRL dễ xảy ra khi bệnh nhân có vết mổ lấy thai của lần có thai trước.

Tần suất xuất hiện NCRL tăng theo số lần mổ lấy thai. Một nghiên cứu ở Mexico từ năm 1989 - 1994 với 32.556 trường hợp sinh thì có 210 trường hợp NTĐ (tỷ lệ 0,64%) trong đó sản phụ có mổ lấy thai chiếm 44,2% (93/210) và có 27,9% (26/93) NTĐ cài răng lược.

Trong khi đó, NTĐ cài răng lược chỉ xảy ra 9,4% trong nhóm sản phụ không có vết mổ cũ. Đối với sản phụ có một lần mổ lấy thai, tần suất NTĐ kèm NCRL là 21,1%. Nếu có 2 lần mổ lấy thai thì tỷ lệ này lên đến 47,6%.

Một nghiên cứu khác ở Los Angeles, Hoa Kỳ từ 1/1985 - 12/1994 trên 155.670 ca sinh, 9,3% bà mẹ có NTĐ kèm NCRL. Tần suất này là 0,004% trong số những sản phụ không có NTĐ.

Nhóm sản phụ có vết mổ cũ thì 29% bị NCRL và NCRL chỉ là 6,5% nếu sản phụ không có vết mổ cũ. Tóm lại, NCRL tăng khi sản phụ bị NTĐ và có mổ lấy thai, tỷ lệ NCRL tăng theo số lần mổ lấy thai. Đây là điều rất đáng quan tâm vì hiện nay tỷ lệ mổ lấy thai ngày càng tăng, có nơi lên đến 60-70% hoặc hơn nữa.

Với những tiến bộ trong y học về kỹ thuật mổ lấy thai, gây mê kháng sinh vấn đề mổ lấy thai tương đối an toàn, thuận lợi hơn trước nên số trường hợp muốn có thai lại sau 2 lần mổ lấy thai không phải là ít. Vì vậy, nguy cơ NTĐ và NCRL sẽ tăng lên, hai bệnh lý này góp phần làm tăng tai biến sản khoa và tử vong mẹ.

Tại Bệnh viện Hùng Vương, TP. HCM trong tháng 5 và đầu tháng 6 năm 2008 có 3 trường hợp NTĐ cài răng lược trên vết mổ lấy thai 2 lần, cả 3 trường hợp này dù đã được chuẩn bị tiền phẫu chu đáo, kíp mổ được chọn lựa những phẫu thuật viên giỏi, nhưng vẫn không thể khống chế tốt hơn về lượng máu mất.

Trung bình mỗi ca sản phụ bị mất hơn 5 lít máu và phải truyền mỗi người gần 20 đơn vị máu, vì nhau chọc thủng tử cung xâm nhập vào thành bàng quang nên cầm máu rất khó. Tất cả những trường hợp này đều phải cắt tử cung ở người còn trẻ. Có trường hợp tổn thương bàng quang nặng dẫn đến dò bàng quang sau mổ.

Với những hậu quả nặng nề do NCRL trên vết mổ lấy thai như đã trình bày trên, điều tốt nhất là phòng ngừa không để tình huống này xảy ra. Muốn như vậy, các bác sĩ sản khoa phải chặt chẽ trong những chỉ định mổ lấy thai lần đầu. Các chị em nếu đã có sinh mổ một lần thì chỉ nên sinh tối đa 2 lần dù trai hay gái vì khả năng mổ sinh lần hai rất cao, không nên đánh đổi tính mạng của mình với ham muốn có thêm đứa con thứ ba vì nguy cơ NTĐ, NCRL có thể xảy ra.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật