Nhiều trẻ đổ bệnh vì nóng lạnh bất thường hằng ngày

Thời tiết miền Bắc một tuần trở lại đây “đảo nhiệt” liên tục, khi nắng đổ mồ hôi, khi se lạnh khiến nhiều trẻ em bị đổ bệnh. Số trẻ đến khám vì các bệnh lý hô hấp, viêm phổi, viêm tiểu phế quản tăng lên gấp 1,3-1,5 lần.

Tại Khoa Nhi (BV Bạch Mai) hơn một tuần qua, lượng bệnh nhân đến khám tăng lên, với khoảng 400-500 trẻ đến khám mỗi ngày.

BS Trương Văn Quý, khoa Nhi cho biết các bệnh lý trẻ mắc chủ yếu là hô hấp. Đáng chú ý, nhiều trường hợp do bố mẹ tự mua thuốc điều trị cho con khiến bệnh trở nặng viêm phổi suy hô hấp nguy hiểm. Trong số bệnh nhi phải nhập viện, đa phần là viêm phổi ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Đặc biệt là ở lứa tuổi sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi dấu hiệu không điển hình nên nhiều bố mẹ ngỡ ngàng khi con phải nhập viện điều trị vì viêm phổi.

“Ban đầu chỉ là những triệu chứng hô hấp thông thường như ho sổ mũi viêm tiểu phế quản… nhiều phụ huynh chủ quan, tự mua thuốc theo kinh nghiệm, theo đơn thuốc cũ cho trẻ uống khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng lên. Có trường hợp trẻ phải vào thở máy vì bố mẹ tự điều trị, không đánh giá được diễn tiến bệnh của trẻ, khi đưa vào viện đã suy hô hấp viêm phổi nặng”, BS Quý nói.

Theo BS Quý viêm phổi ở trẻ nhỏ, đặc biệt sơ sinh không biểu rầm rộ như ở trẻ lớn, nên việc nhận biết dấu hiệu là rất khó khăn.

“Ở trẻ lớn khi viêm phổi thường có những dấu hiệu điển hình là sốt cao, ho nhiều. Còn ở trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi viêm phổi diễn biến rất nhanh và dấu hiệu lại thường không điển hình, dễ bị bỏ qua. Với nhóm trẻ dưới 6 tháng tuổi thì dấu hiệu sốt, ho là những dấu hiệu không quan trọng, thậm chí nhiều trẻ không sốt (chỉ hâm hấp) và không ho nhưng đã bị viêm phổi rất nặng”, BS Quý nói.

“Theo dõi trẻ là rất quan trọng bởi diễn biến viêm phổi trẻ em rất nhanh. Có những bé, ở thời điểm đi khám chưa có biểu hiện viêm phổi, nhưng chỉ vài tiếng sau đã có dấu hiệu rút lõm lồng ngực, nhịp thở nhanh”, BS Quý cảnh báo.

Với trẻ em, việc đếm nhịp thở rất quan trọng để phát hiện nguy cơ bệnh diễn biến nặng lên. Cha mẹ nên vén áo lên để đếm nhịp thở. Nếu thấy bé thở nhanh, ngực lõm hơn bình thường thì cha mẹ cần đưa con đi khám sớm vì có thể bệnh đã diễn biến nặng.

Trong thời điểm giao mùa cần đặc biệt chú ý khi cho trẻ mặc quần áo. Tốt nhất nên mặc làm nhiều lớp, sáng ra trời lạnh có thể mặc áo thun dài tay, một áo khoác mỏng, trẻ để dễ cởi bỏ khi nắng lên. Tuyệt đối không mặc quá ấm khiến trẻ ra nhiều mồ hôi sẽ ngấm ngược lại cơ thể khiến trẻ mắc bệnh.Trẻ dưới 2 tháng tuổi được cho là thở nhanh khi bé thở từ 60 lần trong một phút trở lên.

Trẻ từ 2 tháng tuổi đến 11 tháng tuổi có nhịp thở 50 lần trong một phút trở lên và trẻ từ 1-5 tuổi có nhịp thở từ 40 lần trở lên trong một phút. Cách đếm nhịp thở đơn giản nhất là cho trẻ nằm yên, không cho bú và tốt nhất là khi bé ngủ. Người lớn đặt tay trên ngực bé hoặc quan sát bằng mắt.

Mỗi lần ngực trẻ phình lên được tính là một nhịp.Vì thế, trong quá trình chăm trẻ ốm, cha mẹ phải quan sát kỹ để nhận biết những dấu hiệu khác thường của trẻ. Nếu thấy trẻ bỗng ậm ạch khó chịu, bú ít hơn ngày thường, khóc khi đang bú, có giấc ngủ bất thường (ngủ nhiều hơn bình thường hoặc ít hơn bình thường, quấy khóc) thì cha mẹ cần chú ý, đưa trẻ đi khám ngay khi có bất thường.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật