Cảnh giác bệnh đỏ da, tụt huyết áp do ngộ độc thuốc

Liên tiếp trong 1 tháng qua, nhiều ca cấp cứu tại các bệnh viện (BV) nhi TP.HCM liên quan đến ngộ độc thuốc chữa bệnh.

Thông tin từ BV. Nhi Đồng 1 cho biết Khoa cấp cứu hồi sức BV này vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp. Đó là em N. T. D. 15 tuổi, nam, ngụ ở Trảng Bàng, Tây Ninh, được bệnh viện tuyến trước chuyển đến với chẩn đoán ngộ độc thuốc Cinarizin. Khai thác bệnh sử ghi nhận, do không lo học, bị ba mẹ la rầy nên em uống cùng một lúc 12 viên thuốc Cinarizin hàm lượng 25mg. Người nhà phát hiện thấy em ngủ li bì, nói sảng, đi loạng choạng nên đưa em ngay vào BV địa phương sơ cứu rửa dạ dày, cho uống than hoạt và chuyển đến BV. Nhi Đồng 1.


Tại đây, em biểu hiện hôn mê thở yếu, tím tái, môi và da khô đỏ, nhịp tim nhanh, được đặt nội khí quản giúp thở, rửa dạ dày lần hai và tiếp tục cho uống than hoạt truyền dịch dinh dưỡng và được theo dõi sát mạch huyết áp tri giác, tình trạng khô, đỏ da.

Kết quả sau 3 ngày điều trị, tình trạng em cải thiện dần, tỉnh táo, được cai máy thở. Em được khám và tư vấn với chuyên gia tâm lý. 

Theo BS. Nguyễn Minh Tiến, Khoa Hồi sức tích cực, BV. Nhi Đồng 1, Cinarizin là thuốc kháng histamin có tác dụng chống say tàu xe nhưng lại có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm khi dùng quá liều. Cụ thể, khi sử dụng quá hàm lượng quy định, nó tác động lên thần kinh trung ương gây ngủ gà, lơ mơ, nhức đầu, hôn mê, triệu chứng ngoại tháp như: ưỡn cổ, trợn mắt, ưỡn người, tăng trương lực cơ, nói sảng, khô môi miệng, khô da, đỏ da, tụt huyết áp, ngưng thở, dẫn đến tử vong nếu không can thiệp kịp thời.


Qua trường hợp này, các BS khuyến cáo quý phụ huynh và thầy cô nên quan tâm, lắng nghe và giúp đỡ các em giải quyết những khó khăn trong học tập các xung đột trong mối quan hệ với bạn bè, tránh tạo thêm áp lực cho các em sẽ dễ dẫn đến những điều đáng tiếc có thể xảy ra.

Còn tại nhà, các bậc cha mẹ, người lớn cần giáo dục con cái về sử dụng thuốc và những tác hại khi uống nhầm thuốc Đồng thời bảo quản, cất giữ các loại thuốc chữa bệnh có thể gây ngộ độc, nguy hiểm khi trẻ uống nhầm (thường trẻ nhỏ tưởng là kẹo) hoặc cố tình uống quá liều. Bên cạnh đó, các nhà thuốc cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc không bán thuốc cho trẻ em nhất là các thuốc dạng an thần, gây nghiện, thuốc có thể gây ngộ độc cấp tính dù là thuốc OTC hay thuốc kê toa... để tránh trẻ lạm dụng, gây nguy hiểm tính mạng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật