Liệt kê những điều cần biết khi sử dụng máy trợ thính

Đối với những người bị suy giảm sức nghe do các nguyên nhân khác nhau thì khát khao được nghe những âm thanh đời thường cũng như giao tiếp được rất mãnh liệt. Nhiều nghiên cứu cũng như nhiều biện pháp đã được y học sử dụng, một trong những biện pháp đơn giản là sử dụng máy trợ thính. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, đặc biệt đối với trẻ em, cần chú ý một số vấn đề về bảo quản nhằm duy trì sức nghe ổn định, lâu dài của máy trợ thính.

Bạn đồng hành

Cháu Nguyễn Thị T. (Hải Dương) từ khi học lớp 2 đã có biểu hiện nghe kém, lúc đầu thấy trong tai có tiếng như tiếng còi tàu hỏa ở rất xa, thi thoảng khịt mũi thật mạnh thì tai lại nghe rất rõ nhưng chỉ được 1 phút. Đến nay, cháu đã học lớp 6, nghe ngày càng khó hơn, đi khám được chẩn đoán bị điếc tiếp nhận 2 tai độ 3. Điếc tiếp nhận hay còn gọi là điếc thần kinh thường là điếc vĩnh viễn. Điếc thần kinh với thời gian thường tiến triển nặng hơn. Cho đến nay, hầu hết các trường hợp bị điếc loại này chưa có phương pháp nào chữa khỏi để có thể nghe lại như tai bình thường mà không cần trợ thính. Đối với điếc tiếp nhận thì máy trợ thính được coi như người bạn đồng hành, bất ly thân trong quá trình học tập giao tiếp.

Máy trợ thính là một thiết bị điện tử có khả năng xử lý và khuếch đại âm thanh nhằm trợ giúp cho những người có khó khăn khi nghe, khi giao tiếp. Máy trợ thính được thầy thuốc chỉ định sử dụng đối với những người suy giảm sức nghe do tổn thương thần kinh ở tần số trung bình (từ 50dB trở lên do các nguyên nhân khác nhau). Đối với trẻ nhỏ, nhất là những trẻ có nguy cơ nghe kém bẩm sinh như mẹ mắc Rubella lúc mang thai mẹ sử dụng những thuốc gây ngộ độc với tai trong khi mang thai… thì nên đo thính lực cho trẻ ngay từ lúc mới sinh, khi đó, nếu phát hiện sớm trẻ bị mất hoặc giảm thính lực chúng ta sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, từ 6 tháng đến 3 tuổi rưỡi là thời điểm “vàng” để trẻ học nói, phát triển ngôn ngữ. Lúc này, não trẻ phát triển rất mạnh, có khả năng thu nhận cả triệu thông tin trong mỗi giây. Nếu trẻ được đeo máy trợ thính và được dạy trong giai đoạn này, khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ rất cao, cơ hội nói như trẻ bình thường cũng nhiều hơn. Những trường hợp bị giảm thính lực nhưng đang mắc các bệnh thực thể như viêm tai giữa chảy mủ tai nhiễm khuẩn vùng tai… thì không được chỉ định đeo máy trợ thính.

 Bảo quản máy trợ thính có khó không?

Có 3 kiểu đeo máy chính: máy trợ thính sau tai, trước tai, trong ống tai. Để có được một chiếc máy trợ thính phù hợp với mức độ nghe kém của từng người cũng như phù hợp với nhu cầu nghe thì người bệnh cần có sự hướng dẫn của các chuyên gia thính học. Chất lượng âm thanh chuẩn của máy trợ thính có thể được duy trì trung bình từ 3 - 5 năm nếu được bảo quản. Dưới đây là những cách bảo quản máy trợ thính tốt nhất:

Máy trợ thính giúp người suy giảm sức nghe tiếp nhận âm thanh.

Máy trợ thính giúp người suy giảm sức nghe tiếp nhận âm thanh.

Không để cho máy trợ thính bị ướt. Nếu máy trợ thính bị ướt, để làm khô máy, cách đơn giản nhất là mở nắp pin và để chúng tự khô hoặc cũng có thể sử dụng máy sấy tóc nhiệt độ nhẹ, thổi từ phía trước máy trong khoảng cách từ 40-60cm và sấy từ 5 - 10 phút, cũng có thể sử dụng máy hút ẩm hay chất hút ẩm để chống ẩm cho máy trợ thính.

Không để máy trợ thính ở nơi có nhiệt độ cao, nơi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp hay những vật dụng nóng.

Tránh làm rơi máy trợ thính. Nên đặt gối trên vạt áo hay một chiếc khăn trên bàn trong khi học cách gắn máy trợ thính vào tai.

Không sử dụng keo xịt tóc, kem dưỡng tóc hay gel tạo nếp tóc khi đang mang máy trợ thính vì những hóa chất này có thể làm nghẹt micro, thậm chí phá hủy chất nhựa ở vỏ ngoài máy trợ thính.

Không dùng cồn hay dung môi để làm sạch máy trợ thính vì những chất trên cũng có thể làm hỏng vỏ máy trợ thính mà nên mua chất tẩy rửa chuyên dùng cho máy trợ thính.

Buổi tối, khi tháo máy trợ thính ra khỏi tai, nên dùng một miếng vải hay khăn giấy mỏng khô lau chùi máy cẩn thận. Nếu thấy có ráy tai đọng lại ở phía sau máy, cần lấy ngay. Trong hộp đựng máy luôn có sẵn dụng cụ lau chùi ráy tai như chiếc bàn chải, móc kim loại hay bàn chải có đầu móc. Cuối cùng, mở hộp pin ra và đặt máy trợ thính vào trong hộp.

Hầu hết máy trợ thính đều có công tắc độc lập, nên mở nắp pin để cho không khí vào trong máy làm giảm độ ẩm ướt khi đeo máy suốt ngày.

Với máy trợ thính đeo sau tai, núm tai là bộ phận không có mạch điện nên có thể dùng xà bông ít kiềm và nước để lau chùi. Nếu có nước đọng trong ống tai, lấy bơm tai thổi sạch nước trước khi gắn trở lại vào máy trợ thính.

Riêng đối với trẻ em dưới 10 tuổi, máy thích hợp nhất cho các em là máy đeo sau tai vì dễ bảo quản với chi phí phù hợp.

Cha mẹ cần làm gì để giúp con nghe được với máy trợ thính?

Máy trợ thính giúp hỗ trợ cho việc nghe hàng ngày chứ không thể giúp hồi phục việc nghe trở về như bình thường với nguyên tắc là khuếch đại âm thanh. Máy trợ thính giúp cải thiện sức nghe cho trẻ nhưng việc chỉnh âm theo thính lực đồ mới chỉ là bước đầu, còn điều quan trọng hơn cả là làm sao dạy trẻ hiểu được tất cả những âm thanh tiếp nhận sau khi đeo máy. Cha mẹ là người cần gần gũi, dạy trẻ tiếp nhận âm thanh bằng cách nói chuyện nhiều với trẻ, tập cho trẻ làm quen với những tiếng động xung quanh (tiếng nước chảy, tiếng gà kêu, chim hót…) đồng thời nên khuyến khích, động viên khi trẻ phản ứng với âm thanh, tiếng động. Quá trình này đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì vì đây là giai đoạn đầu tiên trẻ tiếp nhận âm thanh còn nhiều bỡ ngỡ và điều quan trọng là cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra cường độ âm thanh của máy trợ thính để giúp trẻ có thể nghe được âm thanh cuộc sống một cách chân thật nhất.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật