Những cách giúp bạn từ bỏ thói quen xấu cực kỳ hiệu quả

Nhận thức rõ thói quen xấu hay trở thành nhà tư vấn cho chính bản thân mình... là những cách giúp bạn từ bỏ thói quen xấu.

Theo như nhà tâm lý học James Claiborn thì những suy nghĩ và hành vi bộc phát đã trở thành một vấn đề trong cuộc sống của chúng ta – do đó từ bỏ những thói quen xấu thực sự rất khó. Dưới đây là 5 giải pháp gợi ý để giúp bạn thành công.

Nhận thức rõ thói quen của bạn

Cố gắng phớt lờ hành vi mà bạn muốn thay đổi có vẻ như là cách tốt, nhưng thực tế một trong những giải pháp đầu tiên Claiborn đề xuất lại là điều ngược lại. Để từ bỏ thói quen xấu ông đã yêu cầu bệnh nhân nâng cao nhận thức về những gì họ đang làm ngay từ ban đầu.

Ông cho biết: 'Một trong những điều tôi có thể đề xuất đó là một dạng ghi chép có thể là một danh sách kiểm tra tần suất và tình huống bạn thực hiện thói quen. Chúng ta cần phải hiểu rõ hành vi của mình trước khi thay đổi nó một cách hiệu quả'.

Vì vậy, hãy dành thời gian ngồi ngẫm lại về thói quen xấu của bạn, đặt ra các câu hỏi chẳng hạn như: thói quen của bạn xảy ra khi nào, tại sao và bạn cảm thấy như thế nào. Không chỉ giúp bạn tạo ra các thông tin để tìm giải pháp thay thế hiệu quả mà việc theo dõi và đánh giá thói quen có thể giúp bạn giảm các thói quen xấu như chăm chú vào chiếc smartphone khi ăn hoặc lười đến phòng tập thể dục

Đừng tập trung vào những thứ bạn sẽ không làm

Art Markman, chuyên gia tâm lý và tiếp thị tại Đại học Texas, Austin, và cũng là blogger của HuffPost cho biết : 'Mọi người có xu hướng thiết lập mục tiêu tiêu cực và tập trung vào một cái gì đó họ sẽ không làm nữa như: ăn ít hơn, ngừng hút thuốc hoặc không thường xuyên kiểm tra e-mail. Bạn cam chịu thất bại khi đã thiết lập mục tiêu thay đổi thói quen theo cách đó, bởi vì cuối cùng sự cố gắng của bạn là muốn tạo ra những thói quen mới'.

Hệ thống thói quen học tập của bộ não không hình thành bởi mục tiêu 'không làm' mà thay vào đó là mục tiêu về những gì bạn sẽ làm. Ví dụ, Markman thường cắn móng tay của mình trong khi đọc sách và làm việc. Ông đã bỏ thành công thói quen này khi ông tập trung vào thói quen mới của mình, đó là chơi đồ chơi trên bàn làm việc bất cứ khi nào ông có ý nghĩ tới thói quen cũ.

Trở thành nhà tư vấn cho chính bản thân

Claiborn khuyên rằng nên dành chút ít thời gian xem xét những ý nghĩ trong đầu bạn trước khi thực hiện thói quen xấu của mình. 'Nếu bạn nói ra, có lẽ sẽ không còn đáng tin cậy, ngay cả đối với bạn. Mọi chuyện sẽ tiến triển tốt nếu nhìn nhận các ý nghĩ một cách cẩn thận dành thời gian để viết chúng ra và suy nghĩ về các giải pháp'.

Hãy nghĩ rằng 'Chưa phải ngày tận thế đâu'

Markman cho biết suy nghĩ tích cực hoàn toàn tốt cho bạn, nhưng một trong những sai lầm lớn nhất đó là quá chủ quan về thói quen xấu. Mọi người chưa thực sự nghiêm túc trước những khó khăn họ gặp phải khi quyết định thay đổi thói quen của mình.

Thay vì giả vờ không biết, bạn hãy tham gia vào quá trình thay đổi đó. Vạch ra tất cả những điều có thể khiến bạn đi sai hướng, và chuẩn bị bắt tay vào quá trình thay đổi bởi vì khó khăn luôn hiện diện xung quanh bạn.

Tập trung những nỗ lực vào môi trường của bạn

Đúng vậy, thói quen hoặc hành động chính là điều quan trọng. Nhưng mọi người thường bỏ qua việc quan trọng hơn đó là thiết lập một môi trường thuận lợi cho hành vi mong muốn và ngăn chặn hành vi không mong muốn. Chẳng hạn như bạn đang cố gắng bỏ thói quen ăn đồ ngọt mỗi đêm, nhưng bạn sẽ không thành công nếu vẫn có kem trong tủ lạnh.

Markman cũng khuyên rằng 'Nếu bạn không muốn kiểm tra điện thoại di động thường xuyên, hãy tắt nó đi. Nếu bạn không muốn sử dụng nó trong khi đang lái xe, hãy đặt nó trong ngăn đựng đồ. Điều đó có vẻ đơn giản, nhưng lại vô cùng quan trọng. Bạn càng quản lý tốt môi trường thì bạn càng có nhiều khả năng sẽ thành công'.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật