Lưu ý phản ứng có hại ở mắt của ethambutol kẻo "hối không kịp"

Bệnh nhân điều trị bệnh lao chủ yếu là ngoại trú, tức là hằng tháng người bệnh đến bệnh viện hoặc các trung tâm y tế để lĩnh thuốc về nhà sử dụng theo hướng dẫn chứ không phải nằm lại viện. Trong phác đồ điều trị, một trong những loại thuốc lao hay dùng nhất là ethambutol vì vậy phản ứng có hại ở mắt của ethambutol cần chú ý.

Cảnh giác với mắt khi dùng ethambutol

Một trong những đặc điểm của việc dùng thuốc chống lao là phải uống thuốc đầy đủ theo công thức quy định kéo dài 8 - 9 tháng và chia làm 2 thời kỳ là tấn công và duy trì.

5 loại thuốc trị lao đang được sử dụng ở nước ta cũng như ở nhiều nước trên thế giới là isoniazid (H), rifampicin (R), pyrazinamid (Z), streptomycin (S) và ethambutol (E). Do cơ chế tác dụng của mỗi thuốc đối với vi khuẩn cũng khác nhau nên từng loại thuốc nêu trên được phối hợp với nhau tùy theo từng công thức trị lao.  

Hiện nay, Chương trình chống lao Quốc gia ở nước ta đang thực hiện chiến lược điều trị lao do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo là điều trị hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp, viết tắt là DOTS (Directly Observed Treatment Short – course) trong đó có 2 tháng điều trị tấn công dùng 4 loại thuốc là S.H.R.Z và 6 tháng duy trì dùng 2 loại thuốc là E và H (thường gọi là công thức 2SHRZ/6HE). Chính thời gian điều trị duy trì là lúc người bệnh được về nhà và dùng hai loại thuốc lao là isoniazid và ethambutol nên có thể xảy ra những tác dụng có hại của thuốc (ADR) đến mắt như nhìn mờ, không phân biệt được hai màu xanh lá cây và đỏ (thường gọi là mù màu). 

Bệnh nhân lao cần biết về các tác dụng phụ của thuốc trị lao.

Bệnh nhân lao cần biết về các tác dụng phụ của thuốc trị lao.

Nhưng do bệnh nhân đang điều trị ngoại trú ở nhà nên những phản ứng ADR này thường không được phản ánh kịp thời. Nhiều người, nhất là người có tuổi không biết đây là một phản ứng có hại đã được cảnh báo trước nên đã đi khám mắt do nhầm tưởng mắt kém do tuổi tác. Nếu là trẻ em, tình trạng có thể tăng nặng, thậm chí gây mù màu vĩnh viễn nếu trẻ không có ý thức về điều này và không được phát hiện điều trị sớm.  

Tác dụng có hại của E gây viêm dây thần kinh thị giác giảm thị lực và làm mù màu xanh/đỏ. Nếu biết trước và dừng thuốc ngay thì mắt sẽ phục hồi và có thể tránh được mù màu. Vì vậy, E chống chỉ định cho trẻ em dưới 6 tuổi vì trẻ nhỏ chưa ý thức được nên không thể phản ánh về các rối loạn thị giác nếu tác dụng có hại xảy ra. Đối với người có tiền sử rối loạn thị giác cần phải khám mắt trước và trong khi điều trị bằng thuốc lao E.  

Người bệnh phải phản ánh những rối loạn thị giác ngay khi thấy dấu hiệu nhìn mờ, không phân biệt xanh đỏ để ngừng thuốc. Trẻ em không có khả năng phản ánh các thay đổi về thị giác, cần cho dùng thuốc khác thay thế. Ethambutol được chỉ định để điều trị cả lao mới, lao tái phát và bao giờ cũng phải dùng phối hợp với các thuốc chống lao khác như isoniazid, rifampicin, streptomycin và pyrazinamid để ngăn chặn phát triển kháng thuốc.  

Chống chỉ định cho người bệnh viêm dây thần kinh thị giác và người có tiền sử quá mẫn cảm với ethambutol. Thận trọng với người có bệnh ở mắt như đục thủy tinh thể tình trạng tái phát viêm mắt, bệnh lý võng mạc do đái tháo đường người già và trẻ em, nhất là trẻ em dưới 6 tuổi vì khó phát hiện và đánh giá các biến đổi về chức năng thị giác. Không nên dùng cho trẻ nhỏ vì trẻ không thể cho biết rối loạn thị giác một cách kịp thời.  

Tuy nhiên, ADR liên quan đến mắt này của E chỉ gặp trong thực tế là 1/1.000. Viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu khi đang dùng E thường phụ thuộc liều hay gặp khi người bệnh dùng liều > 25mg/kg thể trọng sau 2 tháng điều trị. Tuy nhiên, viêm dây thần kinh thị giác cũng có thể gặp chỉ sau vài ngày điều trị. Nói chung, ADR thường mất đi khi ngừng thuốc, nhưng ngoại lệ cũng có một số ít trường hợp kéo dài đến một năm hoặc hơn nữa, thậm chí những trường hợp này có thể không hồi phục.  

Biến đổi thị giác có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên mắt. Vì vậy, trong thời gian dùng thuốc phải kiểm tra chức năng nhìn của từng bên mắt và cả hai mắt. Theo quy định của Bộ Y tế, các thuốc trị lao là thuốc kê đơn phải tuyệt đối tuân theo sự chỉ định của thầy thuốc. Thuốc có thể uống cùng với thức ăn, nếu bị kích ứng đường tiêu hóa Nếu uống liều thuốc hằng ngày chia làm nhiều lần sẽ không đạt nồng độ điều trị trong huyết thanh, vì vậy, phải uống ethambutol một lần duy nhất trong ngày.

Người bệnh cần chú ý khi bắt đầu điều trị ngoại trú

Những ADR của các thuốc lao rất hay gặp vì dùng thuốc trị lao phải phối hợp khá nhiều loại thuốc. Các ADR của thuốc lao nói chung và của ethambutol nói riêng đều đã được biết trước. Vì vậy, khi bệnh nhân lao chuyển sang giai đoạn điều trị ngoại trú ở nhà, cần nhắc nhở người bệnh khi dùng E có thể gặp hiện tượng mù màu hoặc viêm thần kinh thị giác nên nếu có bất cứ dấu hiệu khác lạ nào liên quan đến mắt cần dừng thuốc ngay và báo cho thầy thuốc nơi mình đang điều trị để có hướng xử trí, giảm liều hoặc thay đổi thuốc.  

Ngoài các thuốc công thức chống lao còn có các thuốc hỗ trợ khác như thuốc bảo vệ gan các vitamin nhóm A, B và C. Vai trò của các thuốc hỗ trợ này cũng rất quan trọng để giúp bệnh nhân tránh được các ADR của thuốc lao. Vì vậy, không nên bỏ qua chúng, nếu chỉ uống mình thuốc lao có thể gây các ADR trầm trọng như men gan tăng cao đau khớp gối hoặc viêm dây thần kinh thị giác Đặc biệt là trong công thức 2SHRZ/ 6HE có 6 tháng người bệnh dùng etambutol tại nhà. Làm tốt được công tác cảnh báo và theo dõi ADR khi đang điều trị lao theo phác đồ DOTS sẽ tránh được tình trạng uống thuốc trị lao lại phải vào khám mắt.  

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật