Chiến đấu với tử thần giành lại sự sống cho bệnh nhân u xơ mạch máu

Với một ca bệnh có tiên lượng xấu, nếu phải phẫu thuật thì nguy cơ tai biến là rất lớn. Tuy nhiên, với bản lĩnh người thầy thuốc, sự tận tâm trong nghề nghiệp với phương châm “còn nước còn tát”, các bác sĩ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội (BVRHMTW HN) đã tuyên chiến với tử thần đề giành lại sự sống cho người bệnh.

Nỗi niềm của người bệnh...

Bệnh nhân Chu Duy Mạnh, 19 tuổi, ở Diễn Châu, Nghệ An, đến BVRHMTW HN trong tình trạng sưng đau vùng má và hàm trên phải, gầy yếu, mất phương hướng huyết áp 90/60mmHg, sinh hoạt không còn tự chủ được nữa. Ngay lập tức bệnh nhân được các bác sĩ BVRHMTW HN thăm khám, cho làm các xét nghiệm cơ bản và chụp X quang.

Các giáo sư, bác sĩ trong Khoa Phẫu thuật và Tạo hình hàm mặt đã bước đầu nhận định đây là khối u xơ mạch. Mặc dù đây là một dạng khối u lành tính, nhưng mức độ phá hủy xương lại rất lớn, trong khi nguyên nhân gây ra căn bệnh này chưa được xác định rõ ràng, còn theo ghi nhận của y văn thế giới, u xơ mạch máu là do rối loạn hormon tăng trưởng - bệnh thường xảy ra ở nam giới...

Kết quả giải phẫu bệnh sau khi bệnh nhân được sinh thiết cũng khẳng định lại những chẩn đoán ban đầu của các giáo sư, bác sĩ Khoa Phẫu thuật Tạo hình hàm mặt là hoàn toàn chính xác.

GS.TS. Trịnh Đình Hải, Giám đốc BVRHMTW HN cho biết: U xơ mạch máu là một căn bệnh hiếm gặp nhưng vô cùng nguy hiểm tới tính mạng. Đặc điểm của bệnh này là chỉ cần một tác động rất nhỏ khối u sẽ chảy máu nhiều mà không thể ngăn lại. Quá trình phát triển khối u của Mạnh như sau: khối u bắt đầu từ xoang hàm phải, sau đó u phát triển to dần làm mất rãnh mũi má, tiến tới phá vỡ vách mũi xoang, u phát triển ra sau vào hố chân bướm, nơi có nhiều mạch máu thần kinh rất quan trọng. GS. Hải còn cho biết, nếu khối u phát triển thêm một thời gian nữa, bệnh nhân sẽ bị liệt nhãn cầu, mù bởi các dây thần kinh điều khiển cơ quan này bị chèn ép, rồi tiếp tục phát triển xâm lấn vào não gây tử vong

Theo BSCKII. Nguyễn Mạnh Hà - Phó Trưởng khoa Phẫu Thuật và Tạo hình hàm mặt: Với trường hợp này, nguy cơ tử vong rất cao trong cả 3 giai đoạn: tiền phẫu thuật, trong phẫu thuật và sau phẫu thuật. Trước phẫu thuật, bệnh nhân có thể chết do mất máu. Trong phẫu thuật, vì quá trình lấy khối u khi mổ có thể ảnh hưởng đến những dây thần kinh quan trọng làm bệnh nhân bị mù, liệt hoặc làm tổn thương các mạch máu lớn dẫn đến tử vong. Do vậy, việc chăm sóc hậu phẫu rất quan trọng để đảm bảo kết quả phẫu thuật.

Bà Trần Thị Sử (mẹ bệnh nhân Mạnh) cho biết: “Con trai tôi năm nay 19 tuổi, là sinh viên năm thứ nhất, Trường đại học Bách khoa Hà Nội Kể từ khi phát hiện bệnh, tôi đã đưa con đến nhiều bệnh viện để điều trị nhưng các bệnh viện đã từ chối điều trị vì không còn hy vọng. Họ đã khuyên tôi đưa con về vì không thể mổ được”. Tuy nhiên, người mẹ không cam lòng nhìn cậu con trai đang ở lứa tuổi căng tràn nhựa sống bị tử thần dần dần cướp đi tính mạng, bà đã tiếp tục đưa con đến BVRHMTW HN. Tại đây, mẹ con bà đã gặp được “những vị cứu tinh”.

Bệnh nhân đã được hồi sinh…

Tại bệnh viện sau nhiều lần hội chẩn với các giáo sư, bác sĩ đầu ngành răng hàm mặt cũng như phẫu thuật mạch máu và phẫu thuật sọ não, Khoa Phẫu thuật hàm mặt đã quyết định gửi bệnh nhân đi can thiệp và làm tắc mạch, “phong tỏa” nguồn cung cấp máu của khối u nhằm giảm thiểu nguy cơ chảy máu trong và sau phẫu thuật. Sau khi cắt u và xương hàm trên sẽ sử dụng kỹ thuật vi phẫu tạo hình vùng khuyết hổng bằng vạt đùi trước ngoài.

Một tháng sau khi tiếp nhận bệnh nhân và chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kíp phẫu thuật của Khoa Phẫu thuật và Tạo hình hàm mặt BVRHMTW HN đã tiến hành cắt u và tạo hình vi phẫu cho bệnh nhân. 10 giờ sau phẫu thuật, ca mổ đã thành công tốt đẹp, bệnh nhân đã được cắt bỏ hoàn toàn khối u và vùng tạo hình bằng vạt đùi trước ngoài ổn định, vạt sống tốt. Sau 18 giờ, bệnh nhân được chuyển ra hậu phẫu an toàn trong niềm vui khôn tả của gia đình cũng như toàn thể kíp phẫu thuật.

Ca mổ thành công đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán và điều trị những ca bệnh phức tạp, đồng thời khẳng định vi phẫu thuật là một phương tiện hỗ trợ hiệu quả cao trong tạo hình những khuyết hổng lớn vùng hàm mặt.

Tuy nhiên, không thể không nói đến sự tự tin, quyết đoán, hết lòng vì tính mạng bệnh nhân của đội ngũ chuyên gia, bác sĩ của BVRHMTW HN.

Ngồi bên cậu con trai đang trong giai đoạn hậu phẫu, bà Trần Thị Sử xúc động nói: “Nó là đứa con trai duy nhất của gia đình, lại chăm chỉ học hành nên đã đỗ vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Thế mà đột nhiên cháu lại mắc bệnh hiểm nghèo. Chạy qua mấy bệnh viện những tưởng chắc chắn sẽ mất con, nhưng may mắn là chúng tôi đã đến được bệnh viện này, được các bác sĩ hết lòng cứu chữa và giành lại mạng sống cho con tôi”.

Nhìn bệnh nhân Chu Duy Mạnh vừa được các giáo sư, bác sĩ cứu thoát khỏi bàn tay tử thần, trên đầu vẫn còn đang quấn đầy băng, nhưng ánh mắt, nụ cười đã nói lên tất cả. Tới đây chàng sinh viên trẻ sẽ trở lại giảng đường đại học tiếp tục học tập, nghiên cứu khoa học để thực hiện ước mơ của mình góp phần xây dựng quê hương đất nước

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật