Dùng thuốc nhỏ mũi phải đúng cách mới phát huy được tác dụng của thuốc

Trong điều trị các bệnh ở mũi (như viêm mũi, viêm xoang...) thì nhỏ mũi là đường đưa thuốc phổ cập nhất. Nếu nhỏ thuốc đúng cách sẽ cho hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên trên thực tế không phải ai cũng biết cách nhỏ thuốc đúng.

Các thuốc nhỏ mũi

- Thuốc co mạch: Một số thuốc co mạch thông dụng trên thị trường như: ephedrin 1% (dùng cho trẻ em) và ephedrin 3% (dùng cho người lớn), naphazolin 0,05% (dùng cho trẻ em) và naphazolin 0,1% (dùng cho người lớn). Tác dụng của thuốc là làm co mạch để tạo sự thông thoáng cho đường thở. Nhưng không dùng thuốc co mạch cho trẻ sơ sinh trẻ dưới 6 tháng tuổi. Với trẻ sơ sinh có thể dùng  nước muối sinh lý 0,9%.

- Thuốc sát khuẩn: Thường dùng như argyrol nồng độ 1% đến 3%. Đây là thuốc vừa có tác dụng sát khuẩn, vừa có tác dụng làm săn niêm mạc và chống xuất tiết nên hay được dùng cho trẻ  nhỏ trong viêm mũi cấp. Tuy nhiên, argyrol là chế phẩm của  bạc nitrat khi tiếp xúc với ánh nắng sẽ bị ôxy hóa (thuốc sẽ bị hỏng). Nếu dùng sản phẩm phân hủy (đã hỏng) này sẽ làm tổn hại đến niêm mạc. Do đó thuốc phải đựng trong lọ, ống thủy tinh có màu hoặc được bao bằng giấy đen che sáng. Không nên dùng kéo dài và không sử dụng thuốc đã quá hạn.

- Thuốc kháng viêm (như kháng sinh corticoid): Với các viêm mũi hoặc mũi - xoang mạn thường phải dùng đến các thuốc nhỏ mũi chứa corticoid Trong trường hợp viêm có mủ có thể dùng thuốc nhỏ mũi phối hợp corticoid với kháng sinh.

Cách nhỏ mũi

- Trước khi nhỏ mũi cần xì hay hút hết chất dịch nhày, mủ ứ đọng trong hốc mũi, như vậy nhỏ thuốc mới có tác dụng. Đối với trẻ nhỏ chưa biết xì mũi, người lớn  phải dùng quả bóng hút mũi hút nhẹ nhàng, đúng cách cho hết các dịch nhày trong mũi của trẻ trước khi nhỏ thuốc mũi.

- Khi nhỏ mũi, tốt nhất là để tư thế nằm ngửa. Hoặc nếu không nằm ngửa thì phải ngồi, ngửa đầu tối đa ra sau để thuốc vào được trong hốc mũi. Khi nhỏ cố gắng đưa đầu ống nhỏ sâu trong hốc mũi độ 1cm (nhưng không để chạm vào mũi) rồi nhỏ từ từ vài giọt (không nên nhỏ quá 5 giọt). Sau khi nhỏ người bệnh có thể hít nhẹ vào hoặc day nhẹ trên cánh mũi để thuốc vào được sâu trong hốc mũi.

Một vài lưu ý khác khi nhỏ thuốc mũi

- Để không làm tổn hại niêm mạc mũi, đảm bảo hoạt động sinh lý của hệ thống lông nhày, các thuốc đưa vào mũi phải đảm bảo pH= 7-9, nhiệt độ trong khoảng từ 23- 40oC, độ nhớt và áp suất thẩm thấu thích hợp.

- Không nên nhỏ kháng sinh hay corticoid với nồng độ quá đậm đặc vì không có tác dụng lại gây hại.

- Không nên nhỏ mũi bằng các hoa lá thảo mộc tươi... tự chế vì các loại thuốc này không đảm bảo vô khuẩn sẽ gây thêm bệnh hoặc chứa dị nguyên gây nên những phản ứng dị ứng  

- Đối với các thuốc co mạch, không được nhỏ nhiều lần trong ngày, kéo dài liên tục nhiều ngày vì sẽ gây viêm mũi do thuốc. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật