Làm sạch vật dụng cá nhân như thế nào cho đúng nhất?

Vệ sinh và làm sạch đồ đạc là công việc không thể thiếu. Từ điện thoại, quần bò đến chó nuôi đều cần được lau chùi, giặt giũ và tắm rửa vào một lúc nào đó. Nhưng khi nào nên làm những việc này và bao lâu nên làm một lần? Dưới đây là ý kiến của các chuyên gia.

Ga trải giường

Một lần/tuần

Chúng ta thải ra hàng triệu tế bào da chết mỗi ngày, phần lớn nằm lại trên giường, và mất cả lít mồ hôi mỗi đêm. Cả hai đều hấp dẫn những con mạt bụi nhà sinh sống trên đó.

Mạt bụi, mặc dù vô hại, song chúng tiết ra những giọt lơ lửng chứa những dị nguyên có thể gây ngứa mắt viêm mũi và hen. Đáng ngại là 1/10 số người trong chúng ta chỉ giặt ga trải giường một tháng một lần, và trên 1/3 đợi tới 2 tuần mới giặt.

Laura khuyên nên giặt ga trải giường một lần mỗi tuần ở nhiệt độ tối thiểu 60oC để tiêu diệt vi khuẩn.

“Phơi ga và vỏ gối dưới ánh nắng mặt trời nếu có thể, vì tia cực tím rất hiệu quả trong việc tiêu diệt vi sinh vật. Là vỏ gối ở chế độ là vải bông (200oC) để tiêu diệt mọi vi khuẩn còn lại.”

Gối

3 tháng/lần

Mút xốp trong ruột gối rất dễ thấm mồ hôi và nó trở thành môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn và mạt bụi.

Các bác sĩ đã thấy rằng vi khuẩn da chết mạt bụi và phân của chúng có thể chiếm tới 1/3 trọng lượng gối, và trung bình một chiếc gối chưa giặt có thể chứa tới 16 loài nấm

Hãy giặt gối 3 tháng một lần

Hãy giặt gối 3 tháng một lần

Vì thế, hãy giặt gối 3 tháng một lần ở nhiệt độ 60oC để tiêu diệt phần lớn vi khuẩn.

Sử dụng nước giặt (vì bột giặt có thể để lại cặn) và để 2 chu trình xả. Cho gối vào máy sấy quay ở mức nhiệt thấp cùng với 2 quả bóng tennis để giữ cho gối tách rời nhau và nhanh khô. Dùng lớp bọc vỏ gối đặc biệt chống dị ứng có thể mang lại thêm một lớp bảo vệ nữa. 

Đệm giường

6 tháng/lần

Phân của mạt bụi trong đệm có thể gây dị ứng và hen, còn nấm và bào tử nấm mốc có thể dẫn đến những phản ứng dị ứng nghiệm trọng.

Kế đó là khả năng các vi khuẩn như MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin), campylobacter (gây sốt đau bụng và tiêu chảy) và norovirus (có thể sống trong tới 6 tuần ở giường).

“Hút bụi hoặc là hơi, sau đó phơi đệm 6 tháng/lần là rất quan trọng,” Laura nói.

Tẩy các vết bẩn bằng cách dùng khăn thấm nước lạnh và nước lau đồ vải để lau sạch bề mặt. Xoay mặt đệm sau khi làm sạch. Tấm phủ đệm có thể giặt máy được cũng là một khoản đầu tư tốt.

Quần áo bò

Sau 5 lần mặc

Giặt quần áo bò sau 5 lần mặc sẽ giúp giữ gìn màu sắc và sợi vải. Việc giặt thường xuyên hơn sẽ khiến món đồ của bạn cũ đi nhanh chóng.

Quần áo bò không ưa sức nóng vì nó sẽ khiến sợi vải bị hỏng. Cần giặt chúng ở chế độ nước lạnh. Lộn trái quần áo để bảo vệ khuy, khóa kéo và phơi khô ngoài trời. Nếu bạn có chiếc quần quá đặc biệt, hãy bỏ nó vào một chiếc túi nhựa kín không khí và bỏ vào ngăn đá qua đêm – cách này sẽ diệt vi khuẩn hiệu quả ngang với giặt.

Áo chíp

Sau 2 lần mặc

Nếp lằn dưới hai bầu ngực và vùng dưới cánh tay là môi trường nóng và nhiều mô hôi, do đó giặt áo chip sau hai hoặc cùng lắm là ba lần mặc là tốt nhất.

Tránh giặt máy, vì hoạt động của lồng giặt sẽ khiến áo chíp chóng bị dão và rút ngắn tuổi thọ (tuổi thọ của áo chíp nên ít nhất là 12 tháng).

Thay vào đó hãy giặt tay và để áo chíp tự khô ở nhiệt độ phòng, vì nhiệt độ của máy sấy có thể làm hỏng áo.

Cho một lượng nhỏ nước giặt vào chậu đổ đầy nước hơi âm ấm. Ngâm áo chíp trong 10 phút, bóp cho kiệt nước, sau đó phơi khô.

Chó nuôi

2 tháng/lần

Tắm rửa cho chó chủ yếu là vì lợi ích của bạn, vì chúng có hệ miễn dịch khá là khỏe.

Nhưng những con vật này có thể nhiễm giun, ve va bọ chó như cheyletiella, có thể gây phát ban ngứa ở người, vì thế các chuyên gia khuyên nên tắm cho chó 2 tháng một lần.

Việc tắm thường xuyên hơn sẽ làm mất đi lớp bã nhờn tự nhiên của lông chó, có tác dụng chống thấm nước và giữ ấm cho chúng vào mùa đông. Nếu bạn thấy lông của chú chó cưng có vẻ quá bết và bắt đầu hôi, thì đó là lúc cần tắm. Nếu chúng vừa về nhà sau khi đi dạo trên con đường lầy lội, thì việc ;àm sạch bằng vòi hoa sen hoặc vòi nước là cần thiết, nhưng đừng dùng dầu gội hoặc xà phòng.

Khăn ăn

Sau mỗi lần dùng

Khăn ăn và khăn lau chén đĩa là nguồn nhiễm vi khuẩn cao nhất trong bếp. Chúng chứa đầy những vi sinh vật nguy hiểm. E.coli và các vi khuẩn khác cứ 40 phút lại nhân lên gấp đôi.

Nhiệt độ tối ưu để các vi khuẩn này nhân lên là 37oC, vì thế việc phơi các khăn dính thức ăn gần bếp lò ấm sẽ tạo ra môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn. Một nghiên cứu hồi năm ngoái của Trường Đại học Arizona phát hiện thấy 25% số khăn trong bếp có xét nghiệm dương tính với E.coli. Vì thế nên giặt chúng ở nhiệt độ 60oC sau mỗi lần dùng, sau đó là chúng ở nhiệt độ cao

Khăn lau chén đĩa còn tệ hơn, vì bạn thường dùng chúng để gạt bỏ thức ăn sống. Với loại khăn này thì cần luộc chúng 5 phút trong xoong sau mỗi lần dùng hoặc ngâm trong thuốc tẩy nửa tiếng (hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất). 

Điện thoại

Hàng ngày

Nghiên cứu đã cho thấy chúng ta chạm vào điện thoại tới 150 lần mỗi ngày, và các nhà khoa học Mỹ đã tìm ra 7.000 loại vi khuẩn trên 51 mẫu điện thoại. Tuy đa số vô hại, nhưng một số thì không.

“Khi ta sử dụng, điện thoại sẽ nóng lên, tạo ra môi trường hoàn hảo cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở,” Laura Bowater, một nhà vi sinh tại Trường Đại học Đông Anglia cho biết.

“Các cầu khuẩn ruột (thường gặp trong phân” và vi khuẩn pseudomonas (gặp ở động vật và đất bẩn) cả hai đều gây ra những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, đều đã được phát hiện trên điện thoại. Điện thoại có phím bấm là bẩn nhất, vì nó có nhiều khe kẽ. Hãy lau điện thoại của bạn hàng ngày hoặc bất cứ lúc nào có thể bằng giấy ướt diệt khuẩn.”

Ví tiền

Mỗi tuần một lần

Có thể gặp những vi khuẩn sống trong phân, E.coli hoặc vi khuẩn trên da như MRSA ở bất cứ nơi công cộng nào. Cho dù bạn có thường xuyên rửa tay thế nào đi nữa, bạn vẫn có thể bị nhiễm lại chúng khi trả tiền, vì bạn thường đặt ví lên những bề mặt không có gì đảm bảo.

Trường St Petersburg ở Florida đã tiến hành xét nghiệm vi khuẩn trên tiền và thấy rằng 80% tiền giấy được xét nghiệm chứa MRSA và 50% số thẻ tín dụng dương tính với vi khuẩn này. Tiền giấy chứa nhiều vi khuẩn hơn vì chúng có bề mặt thô ráp hơn thẻ.

Hãy lau ví mỗi tuần một lần bằng khăn ướt diệt khuẩn. Kiểm tra nhãn vì một số loại ví cũng có thể giặt máy.

Túi xách

Mỗi tuần một lần

Hãy để ý đến quai và đáy túi xách của bạn. Bạn có thể để túi trên giường, trên bàn bếp, dưới nền nhà, bạn nhặt nó lên sau khi vừa chế biến thức ăn, và bạn mang nó đi khắp nơi, tất cả những điều này đều làm cho chiếc túi dễ bị nhiễm bẩn.

Do đó tốt nhất mỗi tuần một lần bạn nên lau sạch túi bằng khắn ướt diệt khuẩn để loại bỏ những vi khuẩn trên da như tụ cầu, các vi rút và vi sinh vật có thể gây nhiễm trùng.

Nếu sợ làm hỏng da túi, hãy lau thử trên một khoảng nhỏ trước khi “xử lý” cả chiếc túi.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật