10 gram cá nóc có thể gây chết người, bạn đã biết chưa?

Dù cơ quan chức năng đã không ít lần cảnh báo về độ nguy hại của cá nóc nhưng dường như nhiều người dân vẫn “quên”...

Họa vì miệng...

Sau nhiều giờ tích cực cứu chữa, các bác sĩ BVĐK tỉnh Phú Yên cho biết, bệnh nhân Lê Bắp (66 tuổi, ở xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên) đã tử vong do ngộ độc quá nặng sau khi ăn cá nóc.

Cá nóc mít.

Cá nóc mít.

Trước đó, ông Bắp nhập BVĐK tỉnh Phú Yên trong tình trạng nguy kịch, chân tay tê cứng hôn mê sâu, trụy mạch, có nguy cơ tử vong cao. Người nhà bệnh nhân cho biết, trưa 16/7, ông Bắp cùng hai con ăn cơm với cá nóc, trong khi 2 con ăn phần thịt, ông Bắp ăn phần gan cá nóc. Sau khi ăn được vài phút, ông Bắp có biểu hiện chân tay tê cứng nên gia đình liền đưa đi BVĐK khu vực Tuy An cấp cứu. Tuy nhiên, do ông Bắp bị trúng độc quá nặng nên phải chuyển vào BVĐK tỉnh Phú Yên nhưng đã không qua khỏi.

Trước đó, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế cũng đã xảy ra cái chết đau lòng cướp đi sinh mạng của bé Nguyễn Thị Oanh mới 9 tuổi cũng chỉ vì bữa cơm có thức ăn là... cá nóc! Được biết gia đình ông Thiện bà Dung ở xã Phú Thanh sau khi đi biển về đã mời gia đình ông Lưỡng sang ăn cơm. Sau bữa cơm chung, 8 người của hai gia đình bị ngộ độc nghiêm trọng, nôn dữ dội, chưa đầy 30 phút bé Oanh đã tử vong tại nhà. Những người còn lại được người nhà vội vã đưa vào BV TW Huế cấp cứu. Tại BV TW Huế, các bác sĩ chẩn đoán những người này bị ngộ độc nghiêm trọng do cá nóc, đặc biệt bé Ngọc, Tiến và Chiến khi vào viện đã ở tình trạng hôn mê, suy giảm ý thức, rối loạn nhịp thở.

Đây chỉ là những trường hợp gần đây nhất bị tử vong vì cá nóc, trước đó tại Bình Thuận, Cần Thơ, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xảy ra các vụ ngộ độc cá nóc nghiêm trọng khiến hàng chục người nhập viện và cũng đã có trường hợp tử vong.

Ngộ độc cá nóc - Tỷ lệ tử vong rất cao

Đây là nhấn mạnh của TS. Lâm Quốc Hùng - Trưởng phòng Quản lý ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế khi trao đổi với phóng viên về các vụ ngộ độc do cá nóc liên tục xảy ra trong thời gian gần đây.

Theo ông Hùng, biển Việt Nam có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ, phân bố dọc bờ biển từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều ở ven biển miền Trung. Cá nóc sống ở tầng đáy và sát đáy, nơi có nhiều cát, bùn cát, vụn san hô, đôi khi có cả ở cửa sông, nước lợ. Mùa xuất hiện cá nóc ở Việt Nam gần như quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 5-6 và tháng 9-10. Độc tố có trong cá nóc có tên là Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan thận, tuỵ, cơ quan sinh sản (buồng trứng túi tinh), mắt, mang, da, máu của cá nóc. Độc tính của độc tố tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá (từ tháng 2 đến tháng 7).

Người ăn phải cá nóc có độc tố Tetrodotoxin, sau 5 phút đến 3-4 giờ mới xuất hiện cảm giác ngứa ở miệng; môi, lưỡi tê, khó chịu. Tiếp theo thấy mệt mỏi chóng mặt choáng váng cảm giác như nghẹt thắt lồng ngực, vã mồ hôi tiết nước dãi, sùi bọt mép, nói khó, nuốt khó, mặt ửng đỏ đau bụng buồn nôn nôn, run giật, cứng hàm, cứng lưỡi, chi dưới yếu, đồng tử co, liệt vận động nhãn cầu. Trường hợp nặng xuất hiện liệt toàn thân, người mềm ra, chân tay mất khả năng vận động, da tím tái, nhiệt độ và huyết áp giảm khó thở cuối cùng liệt cơ hô hấp truỵ tim mạch và tử vong. Tỷ lệ tử vong rất cao (60%) nếu cấp cứu chậm.

“Người dân nên loại bỏ cá nóc ngay từ khi kéo lưới, đánh bắt, không sử dụng cá nóc làm thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào, khi xuất hiện triệu chứng ngộ độc như trên cần phải đến ngay cở sở y tế để được cấp cứu kịp thời”- ông Hùng khuyến cáo.

Theo Cục An toàn thực phẩm, độc tố cá nóc không có trong thịt cá nóc, tuy nhiên khi đánh bắt, chế biến hoặc cá để ươn, bị dập nát, độc tố ngấm vào thịt cá sẽ gây độc khi dùng. Độc tố cá nóc rất độc, chỉ cần 4mg thịt cá có độc tố đã giết chết 1 con thỏ 1kg. Với người, chỉ cần ăn 10gam thịt cá nóc có độc tố là bị ngộ độc.

Chỉ từ 1-2mg độc tố có thể gây chết người. Độc tố cá nóc có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 1.0000C trong 6 giờ độc tố mới giảm một nửa, đun sôi ở 2.0000C trong 10 phút độc tố mới bị phá huỷ hoàn toàn. Như vậy, nếu chỉ đun nấu thông thường, ngộ độc cá nóc vẫn có thể xảy ra do độc tố chưa bị phá huỷ hết. Ngay cả khi phơi khô, chế biến thông thường độc tố chưa bị phá huỷ nên vẫn gây ngộ độc.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật