Hiểu đúng về phản ứng sau tiêm chủng để tránh nguy hiểm đến sức khỏe

Tại Ninh Bình, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Bộ Y tế đã tổ chức Chương trình Tập huấn truyền thông nguy cơ trong công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR).

Ảnh hưởng của những phản ứng nặng sau tiêm chủng

GS.TS. Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ, Chương trình TCMR đã đưa vắc-xin miễn phí đến với trẻ em trên toàn quốc. Mỗi năm có hàng triệu trẻ em và phụ nữ trên toàn quốc được tiếp cận với vắc-xin phòng bệnh. Việc triển khai Chương trình TCMR đã làm giảm tỉ lệ mắc, chết, khống chế được nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Có được thành công này một phần rất lớn nhờ công tác truyền thông đã có những thông tin định hướng tốt về việc tiêm chủng đúng thời điểm trong cộng đồng để người dân có những cái nhìn tích cực vào Chương trình TCMR.

Tuy nhiên, GS.TS. Đặng Đức Anh cũng nhấn mạnh chất lượng dịch vụ TCMR tại các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tiếp tục là thách thức lớn đối với công tác TCMR mặc dù đã có nhiều hoạt động ưu tiên cho các vùng kể trên.

Ảnh hưởng của một số phản ứng nặng sau tiêm chủng đã gây tâm lý lo ngại cho các bà mẹ sau khi đưa con đi tiêm chủng, ảnh hưởng đến niềm tin và sự hưởng ứng của cộng đồng nên việc đạt và duy trì tỉ lệ tiêm chủng cao cho trẻ em và phụ nữ còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, tâm lý chờ đợi tiêm vắc-xin dịch vụ dẫn đến sự trì hoãn các mũi tiêm của các bậc phụ huynh tại một số địa bàn đô thị khiến cho trẻ tiêm chủng muộn, tiêm chủng không đủ mũi khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh và xảy ra dịch, đặc biệt là bệnh sởi bệnh ho gà trong thời gian vừa qua.

5 nguyên nhân gây phản ứng sau tiêm chủng

Cũng tại buổi tập huấn, TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phản ứng sau tiêm chủng là bất kỳ sự kiện bất lợi nào xảy ra sau khi tiêm chủng và sự kiện đó không nhất thiết liên quan đến việc sử dụng vắc-xin và không có vắc-xin nào an toàn 100%.

Theo TS. Dương Thị Hồng, có 5 nguyên nhân của phản ứng sau tiêm chủng, đó là: phản ứng liên quan đến vắc-xin (là phản ứng của từng cá thể với đặc tính vốn có của vắc-xin, ngay cả khi vắc-xin đã được sản xuất, bảo quản, vận chuyển và chỉ định một cách chính xác); phản ứng liên quan đến sai sót tiêm chủng (gây ra bởi việc bảo quản, vận chuyển, chỉ định và tiêm chủng vắc-xin không đúng); phản ứng liên quan đến lo lắng khi tiêm chủng (là phản ứng xảy ra do sự lo lắng về tiêm chủng như ngất xỉu thở nhanh choáng váng chóng mặt khó thở ); phản ứng do sự kiện trùng hợp ngẫu nhiên (gây ra bởi một nguyên nhân khác không phải do vắc-xin, không phải do sai sót tiêm chủng mà là do bệnh lý sẵn có của trẻ.

Lịch tiêm chủng cho trẻ em thường bắt đầu rất sớm, giai đoạn này trẻ rất dễ bị nhiễm trùng hay các bệnh bẩm sinh kể cả tử vong vì thế rất dễ đổ lỗi cho tiêm chủng); phản ứng sau tiêm không rõ nguyên nhân (nhiều trường hợp phản ứng sau tiêm chủng không tìm được nguyên nhân).

Bảo quản vắc-xin

Vắc-xin luôn được bảo quản theo một quy trình nghiêm ngặt và bảo đảm an toàn. Với nhiệt độ từ dương 2 độ C đến dương 8 độ C thì tính bền vững được 4 năm; với vắc-xin bảo quản tại nhiệt độ 20 đến 25 độ C thì có độ bền vững trong nhiều tháng, còn bảo quản tại nhiệt độ 37 độ C thì bảo quản vắc-xin trong nhiều tuần.

Tuy nhiên, với việc vận chuyển, bảo quản vắc-xin không đúng thì hậu quả cũng không quá nghiêm trọng bởi lúc đó vắc-xin không có hiệu lực sẽ không có khả năng gây miễn dịch phòng bệnh, không hoàn toàn là một phản ứng nghiêm trọng.

Xử trí với những phản ứng sau tiêm chủng

Làm thế nào để phòng và xử trí trước những phản ứng sau tiêm chủng, TS. Dương Thị Hồng chia sẻ: Cần chống chỉ định tiêm chủng một vắc-xin nếu trẻ có nguy cơ dị ứng nặng với vắc-xin và các thành phần của nó. Không nên dùng vắc-xin sống cho trẻ suy giảm miễn dịch

Đồng thời, các cán bộ tiêm chủng phải tư vấn về xử trí với các phản ứng thông thường cho cha mẹ, hướng dẫn bà mẹ quay trở lại cơ sở y tế nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe của trẻ sau tiêm chủng.

Đặc biệt, các bà mẹ không nên sử dụng các biện pháp dân gian điều trị phản ứng vắc-xin (uống các loại nước lá, uống tro...) có thể gây nguy cơ nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người được tiêm. Làm sao để cộng đồng hiểu được vắc-xin cũng như các dược phẩm khác và bất cứ dịch vụ y tế nào cũng đều có rủi ro để cộng đồng chia sẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật