Khi con bị muỗi đốt, nếu thấy những biểu hiện này mẹ cần đưa đi viện ngay

Ngày 31/8, thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã ghi nhận 2 trường hợp bị viêm não Nhật Bản B. Cụ thể, hai bệnh nhân là em Nguyễn Thị Tâm (SN 2001, ở thôn 7, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin) và Nguyễn Thị Thu Sương (SN 2002, ở thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Pắk).

Các bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk cùng trong tình trạng sốt cao đau đầu và trước đó, đều không được tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản. Sau khi được xét nghiệm và chẩn đoán dương tính với viêm não Nhật Bản B, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 để tiếp tục điều trị.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm virus cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh gây nên do virus viêm não Nhật Bản, trong đó, muỗi là trung gian truyền bệnh khi hút máu động vật có chứa virus.

Sau đó, các virus này sẽ nhân lên trong cơ thể muỗi trong vài ngày (tối đa 14 ngày) sẽ đủ khả năng truyền bệnh sang người thông qua đốt, hút máu người. Muỗi cái bị nhiễm virus Viêm não Nhật Bản có khả năng truyền bệnh suốt đời và có thể truyền virus sang thế hệ sau qua trứng

Virus thường phát triển nhanh trong cơ thể muỗi ở 27-30 độ C. Nếu dưới 20 độ C thì sự phát triển của virus dừng lại. Đây là lý do tại sao bệnh thường xảy ra từ tháng 4 đến tháng 9 và đỉnh cao là vào tháng 6, tháng 7.

Bộ Y tế khuyến cáo, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Ảnh: N.Mai

Bộ Y tế khuyến cáo, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Ảnh: N.Mai

Hiện nay, ở Việt Nam tỷ lệ mắc viêm não Nhật Bản cao nhất ở nhóm trẻ em từ 5 - 9 tuổi. Người lớn có nguy cơ nhiễm do chưa từng được tiêm chủng và nhiễm virus, khi đi du lịch lao động làm việc tại nơi có dịch bệnh

Viêm não Nhật Bản thường chia thành 3 giai đoạn:

Giai đoạn khởi phát: khoảng từ 1 đến 6 ngày. Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh mệt mỏi đau đầu buồn nôn và nôn.

Giai đoạn toàn phát: Tiếp tục sốt cao 38-40 độ C, có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn táo bón); biểu hiện rối loạn ý thức (có thể đi vào hôn mê); biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú (co giật, run, liệt cứng) kèm theo rối loạn thần kinh thực vật. Tỷ lệ tử vong từ 0,3% - 60% tuỳ theo việc phát hiện bệnh.

Giai đoạn hồi phục: Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới liệt mặt hoặc di chứng rối loạn tinh thần mất ổn định về tình cảm thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ

Để phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy


- Khi đi ngủ, cần mắc màn; thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt.

- Với trẻ nhỏ, tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm chủng với 3 liều cơ bản: Mũi 1 lúc trẻ được 1 tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3 cách mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật