Tăng động giảm chú ý ở trẻ - Cách nhận biết và điều trị bệnh

Tăng động giảm chú ý (ADHD) là một nhóm các triệu chứng như giảm sự chú ý, tăng hoạt động và có những hành động có tính chất xung động… Khoảng 60% - 85% trẻ ADHD vẫn còn triệu chứng khi chúng ở tuổi thiếu niên, những trẻ này có thể kém chín chắn hơn so với bạn bè...

Cách nhận biết khi trẻ mắc ADHD

Những vấn đề về tập trung chú ý

Trẻ bị bệnh này thường rất dễ mất tập trung hay không thể tập trung, rất khó khăn khi để ý vào một việc gì đó. Trẻ thường hay bỏ qua những chi tiết, hay quên, thường thay đổi từ hoạt động này sang hoạt động khác một cách thường xuyên, trở nên chán nản với một nhiệm vụ nào đó chỉ sau một vài phút, trừ khi làm một việc gì mà trẻ thích thú.

Trẻ có khó khăn khi tập trung vào việc tổ chức và hoàn thành một nhiệm vụ hoặc học một điều gì mới, hay gặp những vấn đề trong việc hoàn thành bài tập về nhà, thường xuyên mất đồ dùng cần thiết để hoàn thành bài tập như bút chì, đồ chơi… và dường như không lắng nghe khi người khác đang nói chuyện với trẻ.

Trong lớp trẻ mắc ADHD sẽ không tập trung học bài.

Trong lớp trẻ mắc ADHD sẽ không tập trung học bài.

Ở những trẻ này, có biểu hiện như là đang ngủ mơ giữa ban ngày, rất dễ lẫn lộn và đi lại chậm chạp, xử lý thông tin rất lâu và không được chính xác như trẻ khác, hay làm ngược lại so với những hướng dẫn…

Những biểu hiện về tăng động

Có những vấn đề khó khăn khi ngồi yên một chỗ, dù chỉ là một vài phút. Những trẻ tăng động giảm chú ý thường chạy vòng quanh vào những lúc không được phép, ví dụ khi các bạn đang học, trẻ lại đi lại, chạy lung tung, chúng không thể ngồi yên một chỗ, cảm giác bồn chồn, không thể ngồi đọc sách hoặc làm một việc gì đó mà không gây ra ồn ào. Trẻ nói liên tục, chạy vòng quanh, chạm vào hoặc chơi với bất kỳ đồ vật nào trong tầm nhìn của trẻ. Đối với những trẻ này luôn có sự vận động đi lại liên tục, khó khăn trong việc giữ im lặng hoặc ngừng hoạt động…

Hành động có tính chất xung động

Trẻ bị tăng động giảm chú ý có thể nói to, cười to, hoặc dễ dàng trở lên cáu kỉnh trong những tình huống không cần thiết. Những trẻ này thường không thể chờ đợi đến lượt mình hoặc không thể chia sẻ với ai. Điều này làm cho trẻ khó chơi với những trẻ khác. Ở tuổi thanh thiếu niên nếu bị tăng động giảm chú ý có thể đưa ra những quyết định có những ảnh hưởng không tốt với cuộc sống sau này. Và những bệnh nhân này có thể tiêu rất nhiều tiền, thay đổi công việc liên tục.

Một đặc điểm nhận biết nữa là trẻ không kiên nhẫn; Có những lời bình luận hoặc nói không phù hợp, thể hiện cảm xúc không kiềm chế và hành động mà không nghĩ đến hậu quả; Không kiên trì trong việc chờ đợi những điều mà mình mong muốn hoặc chờ đợt đến lượt mình trong các trò chơi; Thường xuyên gián đoạn cuộc nói chuyện …

Nguyên nhân nào?

Nguyên nhân chính xác của tăng động giảm chú ý vẫn chưa được khẳng định nhưng nó có vẻ như có yếu tố gia đình Có những nghiên cứu tập trung vào tìm gen gây ra bệnh tăng động giảm chú ý. Bà mẹ trong thời kỳ mang thaihút thuốc lá, uống rượu hoặc dùng thuốc có thể làm tăng nguy cơ gây tăng động giảm chú ý ở trẻ. Một số thông tin cho rằng việc sử dụng thức ăn có nhiều đường và phụ gia cũng làm tăng thêm nguy cơ tăng động giảm chú ý.

Với những trẻ chưa đi học rất khó khi xác định trẻ bị tăng động vì rất khó để phân biệt giữa những hành động của trẻ bình thường và những triệu chứng của trẻ tăng động. Sau khi trẻ đến trường, những triệu chứng của trẻ tăng động bắt đầu được thể hiện, và chẩn đoán tăng động thường được đưa ra khi trẻ ở tuổi từ 6 đến 12 tuổi. Trong thời gian này bệnh tăng động giảm chú ý có thể làm ảnh hưởng nhiều mặt trong cuộc sống của trẻ như việc học hành giấc ngủ chơi với bạn bè, sự điều chỉnh bản thân để thích nghi với cuộc sống...

Khoảng 60% - 85% trẻ ADHD vẫn còn triệu chứng khi chúng ở tuổi thiêu niên, những trẻ này có thể kém chín chắn hơn so với bạn bè. Trẻ thường lạc hậu hơn so với những trẻ bình thường rất nhiều lần.

Những trẻ mắc chứng ADHD khi trưởng thành có thể có những vấn đề về tập trung vào công việc, tổ chức công việc và hoàn thành nhiệm vụ của mình nhưng có thể tự điều chỉnh tốt hơn do ý thức đã kiểm soát được.

Những người mang chứng ADHD thường có kết hợp một hoặc nhiều rối loạn sau đây: lo âu trầm cảm nói khó, rối loạn hành vi.

Đối với gia đình có trẻ tăng động giảm chú ý là một khó khăn lớn. Cha mẹ phải thường xuyên theo dõi hành động của trẻ. Họ phải chịu trách nhiệm về những hành vi rối loạn của trẻ gây ra, nếu trong gia đình có những vấn đề stress như ly hôn, bạo lực, lạm dụng rượu hoặc chất gây nghiện thì sẽ càng khó khăn hơn cho việc quản lý trẻ.

Việc điều trị bệnh tăng động giảm chú ý có thể giúp kiểm soát triệu chứng và giúp cho trẻ lớn lên và phát triển bình thường.

Điều trị như thế nào?

Điều trị là sự kết hợp giữa thuốc và liệu pháp hành vi. Nhưng trước tiên cần phải cho trẻ đi khám, chẩn đoán chính xác là trẻ mắc bệnh tại các cơ sở chuyên khoa tâm thần, chuyên khoa nhi sau đó sẽ được bác sỹ kê đơn các loại thuốc điều trị tăng động giảm chú ý. Các bậc cha mẹ cần phải tìm hiểu về bệnh lý này sẽ giúp việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ tốt hơn.

Một số thuốc được dùng cho trẻ tăng động chủ yếu là chất kích thích tâm thần như amphetamine, methylphenidate hoặc những thuốc không phải là chất kích thích tâm thần như clonidine, atomoxetine…

Điều các bậc cha mẹ cần quan tâm đó là các liệu pháp hành vi và những biện pháp giúp đỡ trẻ tại nhà. Đó là, thường xuyên trao đổi giữa cha mẹ, thầy cô giáo và bác sỹ sẽ rất tốt cho trẻ tăng động giảm chú ý. Bạn cần có sự gắn bó gần gũi với trẻ. Ở những năm của tuổi thiếu niên là thời điểm có nhiều thử thách lớn ví dụ như tăng số lượng bài học ở trường lớp, cần phải có sự tập trung hơn, có tổ chức trong công việc hơn và việc đưa ra những quyết định đúng trở nên đặc biệt quan trọng trong giai đoạn trẻ có những vấn đề liên quan đến bạn bè giới tính

Cha mẹ và con có thể cùng nhau đưa ra những mục tiêu hợp lý có thể đạt được và có thể thỏa thuận một phần thưởng gì đó khi trẻ đạt được mục tiêu đó.

Cần thiết lập cho trẻ lịch làm việc hàng ngày và lịch làm việc này cần giống nhau, để tạo thành một sự cố định đối với trẻ từ sáng khi thức dậy đến khi đi ngủ, bao gồm thời gian để làm bài tập ở nhà, những hoạt động ngoài trời và hoạt động trong nhà. Treo lịch làm việc đó trên tường ở bếp, ở tủ lạnh hoặc ở một vị trí nào đó mà trẻ dễ quan sát nhất.

Cần hướng dẫn trẻ sắp xếp, bố trí đồ đạc trong nhà đúng vị trí, đặc biệt là quần áo, balô và đồ dùng của trẻ. Hướng dẫn trẻ cách tổ chức thực hiện làm bài tập ở lớp. Bạn cần nhấn mạnh với trẻ rằng cần phải ghi lại những nhiệm vụ cô giáo giao cho và mang về nhà những sách vở cần thiết là rất quan trọng.

Mọi việc bạn cần nói với trẻ rất rõ ràng và nhất quán, không thay đổi, nó như là một quy tắc. Cần phải khen và thưởng cho trẻ, phát hiện ra những điểm tích cực của trẻ và khen thưởng kịp thời, điều này rất có tác dụng khuyến khích, động viên trẻ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật