Báo động tình trạng rối loạn tâm thần ở thanh, thiếu niên

Không chỉ những trẻ thiếu sự quan tâm từ phía cha mẹ, gia đình, mà những trẻ được nuông chiều, bảo bọc thái quá cũng dễ mắc chứng rối loạn tâm thần.

Yêu con quá hóa hại con

Sau nhiều lần sảy thai đến năm 38 tuổi, chị Nguyễn Thị Hải (Phú Thọ) mới có được bé Hải Yến (nay đã 10 tuổi). Hiếm muộn, nên vợ chồng chị nuông chiều Hải Yến hết mức. Chị Hải chia sẻ: “Cách đây 1 năm, sau lần tranh giành đồ chơi với bạn không được, Hải Yến trở về nhà và cứ di miết các ngón tay vào nhau. Lạ hơn, hành động này cứ lặp lại sau những lần bé vòi vĩnh mà không được đáp ứng, hoặc có ai đó làm bé tức giận”. Đưa con tới Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), chị mới biết Yến bị co giật phân ly rối loạn cảm xúc nên mỗi khi tức giận không thể hiện được như bình thường. “Bác sỹ nói nguyên nhân sâu xa là do bé được chiều chuộng quá, nên không thích ứng được với việc người khác làm sai ý muốn của mình và thành ra rối loạn cảm xúc.

Theo phác đồ điều trị của bác sỹ, Hải Yến phải đều đặn uống thuốc và phải được cha mẹ dạy dỗ, phân tích để thích nghi được với cuộc sống để biết thể hiện cảm xúc đúng. Bác sỹ yêu cầu sự dạy dỗ phải đảm bảo nguyên tắc: Yêu thương nhưng nghiêm khắc”, chị Hải chia sẻ. Kỳ vọng vào cậu con trai độc nhất học hành giỏi giang của chị Huyền Du (Hà Nội) đã tan thành mây khói khi chị nhận ra Huy Tuấn (con trai chị) dù đã lớp 11 nhưng chẳng giao du bạn bè mà suốt ngày chỉ học, rồi làm bạn với máy tính.

Nhà có điều kiện, lại chỉ có một mình Tuấn, chị Du không tiếc tiền đầu tư cho con học hành, rồi cha mẹ thay phiên nhau đưa rước Tuấn suốt ngày. Con nhà giàu, được cha mẹ yêu thương, chăm bẵm, lại ngoan ngoãn, học giỏi, Tuấn là niềm mơ ước của nhiều bạn bè đồng trang lứa và là niềm tự hào của chị. Vợ chồng chị Huyền Du đặt mục tiêu Tuấn sẽ học thật giỏi, đỗ đại học, đi du học ở nước ngoài. Thế nhưng, khi con lên đến lớp 10, chị Du chợt nhận ra con trai có vấn đề. Tuấn ngày càng trở nên khó tính, hay cau có, cô độc, không thích kết bạn và ghét kiểu trêu đùa, tếu táo của bạn bè. Rồi Tuấn bị đau đầu triền miên nhưng vẫn lao vào học. Đến đầu năm lớp 11, em bắt đầu phát bệnh. Trong đầu Tuấn luôn văng vẳng tiếng cười nói, trêu chọc. Khi đến khám bác sỹ tâm thần, Tuấn vẫn cầm theo sách và khi gặp bác sỹ, cậu chỉ thổ lộ duy nhất mong muốn vào đại học, học thạc sỹ, tiến sỹ rồi trở thành phó giáo sư, giáo sư. Tuấn được kết luận mắc chứng loạn thần “ảo thanh”.

Những áp lực tuổi vị thành niên

Còn em Nguyễn Hữu Vương (16 tuổi) phải nhập viện khi người bác họ nhận thấy gần đây em hay đi chơi lang thang, có biểu hiện thích quá đà các bạn nữ dẫn tới mất tập trung, học hành sa sút. Bố mẹ chia tay từ ngày Vương còn nhỏ, sau khi cả bố và mẹ lập gia đình mới, Vương được mẹ gửi lên ở với bác họ trên Hà Nội và theo học tại một trường Quốc tế và đã có nhiều năm học khá giỏi. Tại bệnh viện Vương kể: “Hiện giờ, con vẫn chưa có người yêu. Con sốt ruột lắm. Sao con chơi với bạn bè cứ một thời gian là chả thấy ai tốt cả.

Gần đây con chỉ nghĩ làm sao để có được người yêu thôi”. Bác sỹ Nguyễn Văn Dũng (Viện Sức khỏe tâm thần) cho rằng, Vương bị áp lực tâm lý do phải tự học, tự sống, sống một mình xa bố mẹ nên dù em được cung cấp tài chính đầy đủ, những tổn thương tinh thần vẫn có. Vương bị rối loạn cảm xúc lo âu ở lứa tuổi vị thành niên, điều này khiến em tự ti hơn và hoạt động theo trào lưu riêng. Bác sỹ Dũng cho biết thêm, những ca bệnh thế này không phải là hiếm, nếu không được điều trị kịp thời, trẻ có thể bị tâm thần nặng.          

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật