Bé trai đột ngột mắc viêm xương tủy do khuẩn tụ cầu vàng, nguyên nhân do đâu

Viêm xương tủy nếu không điều trị kịp thời hoặc không đầy đủ có thể gây viêm rò kéo dài, mất đoạn xương, biến dạng chi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động sinh hoạt.

Đang hoàn toàn khỏe mạnh, một buổi sáng thức dậy, bé Phạm Minh Long (9 tuổi, Hà Nội) chợt kêu đau nhức ở cẳng chân phải. Thấy chân bé sưng đỏ, gia đình nghĩ con bị đụng dập do đá bóng nên đưa bé đến nắn chân, đắp lá thuốc ở một thầy lang trong vùng.

Đến ngày thứ hai, bé Long sốt cao, cẳng chân tiếp tục sưng to và đỏ mọng như quả cà chua gia đình vội mang con tới bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ thông báo bé mắc căn bệnh nguy hiểm viêm xương tủy nhiễm khuẩn.

Câu chuyện của bé Long xảy ra vào tháng 11/2016. Trải qua 17 lần ra vào viện liên tục vì căn bệnh viêm xương nhiễm khuẩn, mới đây, sau gần 2 năm điều trị, Long đã có thể vận động, đi lại và trở lại cuộc sống học tập như các bạn bè đồng trang lứa.

Bác sĩ CKII Lê Tuấn Anh - Phó trưởng khoa Chỉnh hình nhi, người trực tiếp tiến hành khám cho bé Long trong lần đầu nhập viện, nhớ lại: “Lần đó, chúng tôi tiếp nhận cháu Long trong tình trạng sốt cao không dứt, cẳng chân phải sưng to, nóng, đỏ, phải chỉ định siêu âm”. Các bác sĩ kết luận cháu mắc bệnh viêm xương tủy nhiễm khuẩn đường máu cấp tính do vi khuẩn tụ cầu vàng

Bé Long được chỉ định phẫu thuật cấp cứu. Mục tiêu của ca phẫu thuật là giải phóng mủ trong xương và các mô mềm, tưới rửa xương bằng dung dịch kháng sinh để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm lan rộng.

Sau ca phẫu thuật, tình trạng nhiễm khuẩn của bé Long đã cải thiện đáng kể, cháu không còn sốt nữa. Bệnh nhi tiếp tục được theo dõi và điều trị tại bệnh viện trong hơn 2 tuần. Thời gian này, cẳng chân tổn thương của bệnh nhi được bất động bằng bó bột để xương được nghỉ ngơi hoàn toàn, tạo điều kiện cho quá trình hình thành xương mới. Trường hợp không bó bột, bệnh nhân rất có thể bị gãy xương dẫn đến tình trạng xương khó liền và khó điều trị về sau.

Sau khi tháo bột, gia đình được bác sĩ hướng dẫn thay băng hàng ngày. Hai tháng sau phẫu thuật bé có thể đi lại nhẹ nhàng nhưng hạn chế chạy nhảy và vẫn phải tái khám định kỳ 4-6 tuần/ lần. Đến tháng 5 là lần tái khám cuối cùng.

'Nghe bác sĩ thông báo chân con hoàn toàn bình phục mà tôi mừng rơi nước mắt. Để con khỏi bệnh như hôm nay, gia đình đã trải qua một hành trình gian nan. Chính nhờ các bác sĩ vừa tận tâm chữa bệnh cho cháu vừa động viên gia đình nên em mới có thể vững tâm tiếp tục chiến đấu', mẹ bé Long xúc động chia sẻ.

Bác sĩ Tuấn Anh cho biết mỗi năm bệnh viện Nhi Trung ương gặp trên dưới 100 trường hợp trẻ mắc bệnh lý về viêm xương. Nguyên nhân gây bệnh phổ biến là bệnh nhi bị nhiễm khuẩn tụ cầu vàng - một loại vi khuẩn kháng thuốc cao.

Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo viêm xương tủy nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị không đầy đủ có thể gây viêm rò kéo dài, mất đoạn xương, biến dạng chi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vận động sinh hoạt hàng ngày.

“Đây là bệnh cần điều trị lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì và tuân thủ phác đồ điều trị nghiêm ngặt của gia đình người bệnh”.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật