Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm xương tủy và cách điều trị

Viêm xương tủy là tình trạng nhiễm khuẩn xương, do vi khuẩn sinh mủ gây nên. Bệnh thường gây tổn thương các xương dài ở trẻ em, trong khi ở người lớn lại hay bị viêm các đốt xương sống. Bệnh gây hoại tử xương và gãy xương, dẫn đến hạn chế vận động hoặc tật nguyền nếu không được chữa trị kịp thời.

Vì sao xương bị viêm?

Có hai đường vi khuẩn vào xương và gây viêm: qua đường máu; trực tiếp từ ổ nhiễm khuẩn kế cận, hoặc do vết thương xuyên thấu. Trong phạm vi bài này chúng tôi chỉ đề cập đến trường hợp viêm xương tủy lan theo đường máu.

Các yếu tố thuận lợi là: chấn thương thiếu máu dị vật làm tăng nguy cơ xâm nhập của vi khuẩn vào xương. Quá trình tế bào thực bào đã giải phóng ra men hủy xương. Mủ lan vào trong các mạch máu làm tăng áp suất trong xương và làm giảm lưu lượng máu chảy; các ổ nhiễm khuẩn không được điều trị trở nên mạn tính, xương bị hoại tử do thiếu máu nuôi dưỡng, tạo thành các mảnh xương mục. Khi mủ vượt qua vỏ xương sẽ tạo thành áp-xe dưới cốt mạc hoặc mô mềm.

Vi khuẩn thoát khỏi sự phòng vệ của vật chủ bằng cách bám chặt vào xương bị tổn thương, xâm nhập và sống dai dẳng bên trong nguyên bào xương, tự bao phủ và nằm bên dưới bề mặt phủ lớp màng sinh học giàu polysaccharid. Đặc điểm nổi bật của viêm xương tủy mạn tính là xương bị hoại tử, không có tế bào xương còn sống, không phát hiện được vi khuẩn vì số lượng rất ít.

Viêm xương tủy lan theo đường máu cấp tính

Nhiễm khuẩn theo đường máu chiếm khoảng 20% số trường hợp viêm xương tủy và gặp chủ yếu ở trẻ em với tổn thương các xương dài; còn ở người lớn, người sử dụng thuốc tiêm tĩnh mạch các đốt sống là vị trí thường bị nhiễm khuẩn.

Bệnh thường gây nhiễm khuẩn chỉ ở một xương, hay gặp nhất là xương chày, xương đùi, hoặc xương cánh tay.

Vi khuẩn cư trú ở đầu xương là nơi được tưới máu tốt, ở đó ít có đại thực bào mạng lưới xoang tĩnh mạch làm chậm lưu lượng máu, và các lỗ trên mao mạch cho phép vi khuẩn thoát vào khoảng ngoại mạch. Do cấu tạo mạch máu thay đổi theo tuổi, nhiễm khuẩn theo đường máu ở xương dài ít gặp ở người trưởng thành, nếu có thường viêm ở thân xương. Biểu hiện triệu chứng bệnh cấp tính ở trẻ em gồm: sốt cao, lạnh run đau tại chỗ xương bị viêm, sưng, đỏ, phù ở da báo hiệu mủ lan đến vỏ xương.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ sau dậy thì, nhiễm khuẩn có thể lan qua đầu xương vào khoang khớp; trong khi trẻ em ở lứa tuổi giữa sơ sinh và dậy thì, nhiễm khuẩn lan rộng đến vỏ xương gây ảnh hưởng đến cử động khớp nếu sụn tiếp hợp nằm trong bao khớp. Cho nên hay gặp biến chứng viêm xương tủy tương ứng ở đầu gần xương quay, xương cánh tay và xương đùi do trẻ bị viêm khớp nhiễm khuẩn ở khuỷu, vai, và hông.

Chụp Xquang xương thấy các biến đổi do hiện tượng hủy mô phát hiện được sau 2-6 tuần, khi mà 50 đến 75% mật độ xương bị mất. Hiếm khi thấy được tổn thương áp-xe Brodie ở trẻ em đã bị đau trong vài tháng nhưng không bị sốt.

Viêm xương tủy mạn tính

Khi được điều trị sớm, có khoảng dưới 5% số trường hợp viêm xương tủy cấp tính tiến triển thành viêm xương mạn tính. Đặc điểm viêm xương mạn tính là diễn tiến bệnh kéo dài, có những giai đoạn im lặng, bệnh trở nặng tái diễn nhiều lần. Các ống xoang giữa xương và da có thể chứa mủ và cả các mảnh xương hoại tử. Mủ chảy ra nhiều đau tốc độ máu lắng tăng. Khi nhiễm khuẩn mô mềm có sốt. Các biến chứng muộn hiếm gặp gồm gãy xương bệnh lý, carcinom tế bào vảy ống xoang và thoái hóa dạng tinh bột

Viêm xương đốt sống

Vi khuẩn xâm nhập vào thân đốt sống qua các động mạch đốt sống, lan từ đĩa đệm vào khoảng gian đĩa rồi sang thân đốt sống lân cận. Nhiễm khuẩn có thể do: viêm đường tiểu, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn mô mềm, nhiễm khuẩn theo đường truyền tĩnh mạch; đái tháo đường thẩm phân máu, vết thương xuyên thấu. Biểu hiện bệnh gồm các triệu chứng: đau ở cổ, lưng, ngực, bụng. Đau khi gõ vào đốt sống bị bệnh, co thắt ở cơ cạnh sống, giới hạn vận động; có thể có sốt cao...

Chữa trị bệnh như thế nào?

Có thể dùng đơn độc hay phối hợp hai phương pháp trị liệu là kháng sinh liệu pháp và phẫu thuật.

- kháng sinh trị liệu: viêm xương tủy cấp tính ở trẻ em, hay viêm xương tủy đốt sống ở người lớn thường được điều trị khỏi với kháng sinh thích hợp, tốt nhất là theo kháng sinh đồ từ 4-6 tuần. Khi chưa có kháng sinh đồ, dựa vào các mầm bệnh hay gặp có thể dùng các loại kháng sinh sau đây: oxacillin, nafcillin, cephalosporin, hoặc vacomycin, cephalosporin thế hệ thứ ba aminoglycosid hoặc fluoroquinolon.

- Sử dụng phương pháp phẫu thuật điều trị đối với các trường hợp trẻ em bị áp-xe trong xương hay dưới màng xương. Trừ viêm cột sống ở người lớn, các trường hợp viêm xương khác thường cần phải phẫu thuật cắt lọc. Phẫu thuật loại bỏ toàn bộ xương hoại tử và mô mềm bất thường là yếu tố quyết định thành công của việc điều trị viêm xương tủy mạn tính.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật