Cách nhận biết và phòng ngừa khi trẻ nhỏ bị lẹo mắt

Để phòng ngừa cho bé khỏi bị lẹo thì vấn đề vệ sinh cho bé là ưu tiên số một.

Lẹo mắt là một khối sưng nề đỏ và có nhân vàng giống như mụn nhọt nằm ngay ở chân các lông mi. Đôi khi chỉ là một vùng sưng đỏ một phần hoặc thậm chí cả bờ mi mắt. Theo ThS. Vũ Thị Tuyết Mai, bệnh phát triển là do sự nhiễm khuẩn của các chân lông mi mà thủ phạm thường là do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) vi khuẩn này có nhiều ở mũi trẻ nên khi khi con của chị dụi mũi và sau đó dụi vào mắt thì cũng có thể đem vi khuẩn lên trên mi mắt. 

ThS. Vũ Thị Tuyết Mai cũng khuyến cáo, nếu căn bệnh này không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm cho mắt như tổn thương giác mạc thậm chí mù lòa Vì vậy, mọi người nên cảnh giác và giữ gìn vệ sinh mắt, đồng thời chú ý đến những triệu chứng để phát hiện bệnh sớm, từ đó có phương hướng điều trị phù hợp.

Câu hỏi 1: Cháu 16 tuổi, giới tính nam. Bác sĩ cho cháu hỏi bị bệnh mắt lẹo thì phải làm gì?

Trả lời:

Chào bạn!

Nếu mi mắt bạn có một nốt gồ lên mới xuất hiện hoặc xuất hiện đã lâu, thì có thể bạn đang bị chắp hoặc lẹo. Chắp, lẹo đều là những tổn thương do viêm gây ra tại gần bờ mi mắt, tuy nhiên, chúng có một vài khác biệt: 

- Chắp có dạng một u chắc, thường là không đau (có thể một vài ngày đầu có đau nhẹ, giống như lẹo), phát triển thường ra phía ngoài da hơn là vào trong kết mạc Diễn biến của chắp thường mạn tính và ở trong mi mắt. Nếu chắp to, nó có thể làm nặng mi, đè lên giác mạc gây mờ mắt. 

- Lẹo diễn biến cấp tính, thường có ở bờ mi mắt, có dạng một nốt tròn, đỏ, trung tâm có chấm trắng hoặc vàng trên bề mặt, đau nhức. Sau vài ngày, nó thường tự vỡ ra và thoát mủ ra ngoài. Tuy nhiên, nó có thể là nguyên nhân dẫn đến viêm mô lân cận.

Khi có tổn thương chắp hoặc lẹo, bạn nên đi khám chuyên khoa mắt để bác sĩ khám và điều trị đúng cách, tránh tái phát nhiều lần. Để làm giảm đau trong giai đoạn đầu, bạn có thể chườm nóng 3-6 lần/ngày bằng khăn hay gạc sạch. Bạn không nên chích, rạch, nặn mủ tại nhà, tránh làm cho tổn thương lan rộng hoặc tái phát, để lại sẹo xấu gây mi quặp. Khi đang bị chắp, lẹo không nên đeo kính áp tròng

Sau khi điều trị chắp, lẹo, bạn cần chú ý phòng tránh tái phát bằng cách:

- Không lấy dùng tay bẩn dụi mắt. Rửa tay thường xuyên bằng nước sạch và xà phòng.

- Bảo vệ mắt khỏi khói, bụi ô nhiễm không khí Đeo kính bảo vệ khi đi đường, khi lao động trong môi trường bụi bặm.

- Tránh dùng chung khăn tắm, khăn lau...

- Điều trị triệt để bệnh lý mi mắt nếu có.

Chúc bạn sức khỏe!

Câu hỏi 2: Chào Bác sĩ! Con trai tôi năm nay 4 tuổi. Từ 2 ngày nay cháu bị lên lẹo ở mắt, mí mắt sưng đỏ. Vậy tôi nên điều trị cho cháu thế nào ạ? Xin cảm ơn!

Trả lời:

Chào chị! 

Khi phát hiện thấy cháu bị lên lẹo mắt thì chị hãy lấy một chiếc khăn mỏng nhúng vào nước ấm sau đó vắt khô đi một chút và áp lên mi mắt của cháu. Chị làm như vậy 3 lần một ngày, mỗi lần 10 phút, việc làm này sẽ có tác dụng làm cho lẹo khu trú lại và dễ thoát lưu mủ hơn. Sau đó chị nên đưa cháu đi khám mắt, các bác sĩ sẽ có những biện pháp hỗ trợ thêm cho cháu như dùng thêm thuốc kháng sinh dạng mỡ để bôi lên mi mắt và cả thuốc giảm đau nếu cần thiết. Trong hầu hết các trường hợp điều trị hỗ trợ như vậy là mắt bé sẽ lành, chỉ có một số ít trường hợp lẹo tạo mủ thì các bác sĩ sẽ phải rạch dẫn lưu mủ.

Nếu trong trường hợp mi mắt của cháu sưng to, bị tái phát nhiều lần, cháu đau nhức tại chỗ, bị sốt hoặc lẹo không tự khỏi trong một tuần thì chị nên đưa cháu đến khám chuyên khoa mắt ngay, điều nên tránh là chị không được tự ý nặn chích mủ cho cháu nhé.

Để phòng ngừa cho bé khỏi bị lẹo thì vấn đề vệ sinh cho bé là ưu tiên số một. Bố mẹ phải tập cho bé thói quen rửa tay sạch sẽ. Nếu bé hay bị lẹo thì việc vệ sinh mi mắt cho bé để tránh tái phát cũng cần phải làm. Bố mẹ bé có thể dùng que bông gòn tẩm một ít nước ấm để vệ sinh chân lông mi của bé ít nhất mỗi ngày một lần.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật