Những mầm mống sốt xuất huyết ngay trong nhà của bạn - Các bạn tham khảo thêm nhé!

Không chỉ ở ao hồ, bụi rậm, yếu tố gây bệnh sốt xuất huyết có thể ở ngay vật dụng hàng ngày như lọ hoa, bể cá cảnh, khay nước thải điều hòa...

Những tháng gần đây, dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Tính từ đầu năm cuối tháng 9/2015, cả nước đã ghi nhận trên 36.000 trường hợp mắc bệnh tại 53 tỉnh thành phố, gần 30 bệnh nhân đã tử vong Dịch bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam mà trọng điểm là Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương vì đang bước vào mùa mưa

Nhiều thống kê cho thấy sốt xuất huyết có xu hướng dịch chuyển sang độ tuổi lớn hơn nên nhiều người chủ quan không phòng bệnh ngay cả với người đã từng mắc bệnh. Nguy hiểm hơn nữa, hiện nay chưa có vắcxin phòng bệnh và thuốc đặc hiệu để điều trị sốt xuất huyết

Bình chân giữa 'tâm' dịch

Trong khi các cơ quan chức năng đang nỗ lực khoanh vùng, khống chế dịch sốt xuất huyết thì không ít người dân tại một số tỉnh thành như Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Hà Nội… lại tỏ ra khá thờ ơ. Có người còn thản nhiên coi công tác phòng dịch là việc của chính quyền.

Tại Hà Nội việc phòng chống dịch rất khó khăn bởi người dân bất hợp tác. Có những trường hợp gia đình không mở cửa cho cán bộ y tế vào để kiểm tra vệ sinh hoặc phun thuốc hóa chất diệt muỗi vì sợ mùi độc hại. Ngoài ra, có những người mắc bệnh nhưng lại tự ý điều trị, truyền dịch tại nhà, không khai báo với chính quyền địa phương khiến công tác quản lý ngày càng khó khăn hơn.

Tại Hồ Chí Minh – tâm điểm của dịch sốt xuất huyết với trên 6000 ca mắc bệnh nhưng người dân vẫn chủ quan, chưa có ý thức chủ động phòng bệnh. Ở một số vùng ngoại ô thành phố, người dân vẫn có thói quen dùng chum, vại để chứa nước. Đây chính là mầm mống gây bệnh. Đặc biệt, tại những kênh mương nước thải tạo điều kiện để muỗi sinh sôi. Tuy nhiên, người dân nơi đây cho rằng không bị ảnh hưởng đến sức khỏe

Cảnh báo mối nguy hại từ những vật dụng trong nhà

Nhiều người có quan niệm muỗi vằn thường sinh sống ở các kênh mương, bụi rậm, phuy nước nên chủ quan. Chị Lê Thị Nga (Hà Nội) cho biết trong nhà chị xuất hiện muỗi mặc dù đã thuê người phun thuốc diệt muỗi, thường xuyên dọn dẹp nhà  cửa…

Nhưng sau khi thay nước bình hoa và thấy có bọ gậy chị Nga ngạc nhiên vì đây chính là mầm bệnh ngay trong nhà. Không chỉ có chị Nga mà nhiều người dân cảm thấy ngỡ ngàng khi phát hiện lăng quăng tại những nơi có nước như bể cá cảnh, khay nước điều hòa, chậu cây… vì đó là những nơi họ không thể ngờ đến.

Mầm bệnh sốt không loại trừ ở trong nhà, những khu chung cư, văn phòng… Nguyên nhân là do muỗi vằn là nguồn truyền bệnh mà loại muỗi này lại cư trú và sinh sản tại các vùng nước sạch. Đặc biệt trứng muỗi có thể bám vào thành lọ, chum vại… có thể tồn tại 6 tháng trong môi trường khô, chỉ cần có nước thì lập tức phát triển.

Có thể thấy rằng những mối nguy hại, mầm mống của sốt xuất huyết có ngay trong nhà như: lọ hoa, kê chạn, khay đựng nước điều hòa, bể cá cảnh, chậu cây cảnh… Bạn không thể chủ quan vì chỉ cần có muỗi vằn thì nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao với tốc độ lây lan nhanh.

Chủ động phòng chống sốt xuất huyết

Trước sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, bạn cần chủ động phòng tránh bệnh bằng các biện pháp đơn giản.

- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ: Thường xuyên quét dọn nhà cửa, cọ sạch các dụng cụ đựng nước để loại bỏ trứng muỗi, môi trường sống của loăng quăng, bọ gậy.

- Thường xuyên thay nước các vật dụng: lọ hoa, chậu cây cảnh… Bạn có thể cho thêm một chút muối vào trong nước vì muối có thể làm cho trứng muỗi không nở và phát triển thành bọ gây.

- Phun hóa chất diệt muỗi thường xuyên hoặc sử dụng các loại bình xịt côn trùng. Bạn nên phun hóa chất hoặc đốt hương muỗi trong nhà khi mọi người đi vắng để tránh gây hại đến sức khỏe

- Nên ngủ màn kể cả ban ngày. Mặc quần áo sáng màu để tránh sự chú ý của côn trùng.

- Sử dụng kem chống muỗi hàng ngày, trước khi đi ngủ. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng đèn chống muỗi, máy đốt muỗi.

- Trong nhà nên trồng một số loại cây có tác dụng chống muỗi: sả, húng thơm… hoặc có thể sử dụng cửa lưới để chỗng muỗi.

- Không nên tự ý điều trị tại nhà: Khi có các biểu hiện của sốt xuất huyết như đau đầu mệt mỏi sốt cao, mẩn đỏ… cần đến các cơ sở y tế để điều trị, không nên tự ý mua thuốc hoặc truyền dịch

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật