Tái tạo xương hàm mặt bằng vi phẫu có đem lại hiệu quả?

Nếu như trước đây, nhiều tổn thương vùng hàm mặt khó điều trị bảo tồn khi phải phẫu thuật thì hiện nay, với những tiến bộ trong vi phẫu đã mang lại chất lượng điều trị mới. Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba đã ứng dụng thành công tái tạo xương hàm mặt bằng vi phẫu cho nhiều trường hợp. 

Tin vui cho những người u nang xương hàm 

Cách đây hơn 1 năm, anh Nguyễn Minh Tuấn, 22 tuổi (Liên Mạc, Từ Liêm, Hà Nội) thấy ở hàm dưới bên phải của mình tự nhiên có cái gì đó hơi nhô nhô lên, ấn vào thấy đau buốt. Anh nghĩ chắc mình bị viêm chân răng nên đến khám tại một phòng khám nha khoa nhưng không phát hiện ra bệnh. Sau đó được mọi người mách, anh đã ra bệnh viện Việt Nam - Cuba Hà Nội khám, chụp và phát hiện bị u nang xương hàm. Khi đó vì muốn bảo tồn hàm mặt nên anh quyết định chỉ phẫu thuật nạo vét khối u và đặt nẹp để bảo vệ xương. Nhưng thời gian gần đây, anh lại thấy đau ở vùng hàm dưới, lần này anh đã được các bác sĩ ở đây tư vấn và tiến hành mổ cắt bỏ, tái tạo xương hàm mặt bằng vi phẫu và cấy ghép implant tức thì.

BSCKI. Nguyễn Thanh Thái, Trưởng khoa răng hàm mặt, trưởng kíp mổ cho biết, việc áp dụng kỹ thuật mới này giúp người bệnh đỡ được nhiều chi phí và thời gian. Nếu như trước đây, để có được xương hàm mới có răng đảm bảo chức năng thẩm mỹ, chức năng nhai, nói... người bệnh phải trải qua 3 cuộc phẫu thuật. Lần thứ nhất mổ để cắt bỏ khối xương hàm bệnh. Sau đó lấy vạt xương tự do (thường là một đoạn xương mác ở chân) cấy ghép vào xương hàm mặt bị khuyết để tái tạo một xương hàm mặt mới. Cuộc mổ thứ 3 là cấy ghép implant làm trụ lắp răng giả. Mỗi cuộc mổ đòi hỏi phải cách nhau tối thiểu 6 tháng. Không những mất nhiều thời gian mà bệnh nhân còn phải chịu nhiều lần mổ, chi phí cũng vì thế tăng lên. Với phương pháp mới này, người bệnh chỉ phải trải qua 1 cuộc mổ, chi phí cho cuộc mổ hiện khoảng từ 20 - 30 triệu đồng. Chi phí này đã được giảm tới 70% giá thành thực của ca phẫu thuật bởi bệnh viện nhận được nhiều hỗ trợ và tài trợ từ Chính phủ và các tổ chức quốc tế.

 

Nhiều tiến bộ trong vi phẫu hàm mặt

Điểm mới ở kỹ thuật này là không chỉ cắt một đoạn xương mác ở chân, cùng lúc cắt bỏ xương hàm bệnh, các bác sĩ ghép đoạn xương cùng mạch máudây thần kinh lên vị trí xương hàm mặt đã bị cắt bỏ bằng kỹ thuật vi phẫu. Đồng thời, trong thời gian lấy đoạn xương mác ra, các bác sĩ phải thao tác luôn cả cấy ghép implant để làm trụ cho việc đặt răng giả sau này. Theo BS. Thái, để làm được như vậy đòi hỏi các bác sĩ tham gia ca phẫu thuật phải hết sức nhanh, thành thạo, chính xác, kết hợp các thao tác nhuần nhuyễn, các kíp phối hợp ăn ý, nhịp nhàng vì thời gian của toàn bộ ca mổ là 9 - 10 giờ nhưng thời gian để tiến hành cắt bỏ xương hàm bệnh, cắt đoạn xương mác ở chân, cấy ghép implant vào đoạn xương mác, rồi cấy ghép đoạn xương mác đã được cắm implant này vào xương hàm mặt chỉ vỏn vẹn 2 giờ. Nếu lâu hơn, các mạch máu sẽ chết. Tất cả mọi thao tác đều phải thực hiện trên kính hiển vi mà các mạch máu nuôi tế bào lại vô cùng nhỏ bé, mắt thường khó nhìn thấy được, đường đi của mạch máu và dây thần kinh lại rất phức tạp, vì vậy đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, nhanh nhạy và độ chính xác cao của các phẫu thuật viên.

Để thực hiện một ca phẫu thuật như vậy đòi hỏi phải có 2 kíp mổ cùng thao tác một lúc với 9 bác sĩ tham gia, 2 bác sĩ gây mê cùng nhiều kỹ thuật viên và y tá. Một kíp cắt bỏ đoạn xương hàm bệnh đi. Trong khi đó kíp kia đồng thời cắt một đoạn xương mác ở chân tái tạo lại thành xương hàm mặt và cấy ghép implant. Rồi chuyển cho kíp 1 để lắp nối. Trước khi tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ phải có 1 - 2 tuần chuẩn bị. Khâu này cũng quan trọng như cuộc mổ chính thức, bởi có chuẩn bị tốt, đo hình, đo dạng, định vị và tiến hành mọi khâu chính xác thì cuộc mổ mới thành công.

Từ nhiều tháng nay, chiều nào các bác sĩ trong khoa cũng học hỏi và thảo luận để thực hiện kỹ thuật mới này. Tất cả máy móc, thiết bị phục vụ cho cuộc phẫu thuật đều đạt tiêu chuẩn quốc tế, từ những dụng cụ nhỏ như bộ dụng cụ vi phẫu, bộ khoan đến kính hiển vi phẫu thuật, máy chụp CT vùng hàm mặt 3 chiều, máy gây mê hồi sức, máy siêu âm dò mạch doppler...

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, tất cả những bệnh nhân có dấu hiệu bất thường vùng hàm mặt cần đi khám tại các cơ sở chuyên khoa để phát hiện và điều trị bệnh sớm. Mặc dù tiến bộ trong điều trị ngày càng cải thiện nhưng càng phát hiện sớm thì chất lượng điều trị sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật