Tưởng bị u não, hóa ra nhiễm giun đũa chó gây nguy hiểm tính mạng

Khoảng một tháng trước khi vào viện, nữ công nhân may Lưu T.T (21 tuổi, Thái Bình) xuất hiện liên tiếp các cơn đau đầu vùng đỉnh tăng dần, kèm theo có sốt nhẹ, không liệt, không co giật. Nghĩ mình bị u não, BN đến khám tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu (BV Bạch Mai) thì phát hiện bị tổn thương thần kinh trung ương do nhiễm giun đũa chó.

PGS.TS Mai Trọng Khoa, GĐ Trung tâm cho biết, xét nghiệm công thức máu của BN cho thấy bạch cầu ái toan tăng cao 20% (bình thường chỉ 0-8%). Riêng về xét nghiệm ký sinh trùng cho thấy giun đũa chó dương tính mạnh, hiệu giá kháng thể là 1/800. Hình ảnh chụp MRI sọ não không thấy có u não hay tổn thương ở não.  

Ngay lập tức, các bác sĩ của Trung tâm đã hội chẩn với Viện Sốt rét ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương và chuyển BN sang điều trị tại đó với thuốc uống, đồng thời dùng thuốc chống phù não  

Theo các bác sĩ, trứng giun đũa chó, mèo theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần lễ các trứng này sẽ hoá phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng này.

Trẻ em là đối tượng dễ nhiễm bệnh nhất do thói quen đùa nghịch với đất cát, mà đất cát lại là nơi phát tán trứng giun do đặc tính phóng uế bừa bãi của chó, mèo. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan phổi hệ thần kinh trung ương.

Tại đây, các ấu trùng có thể sống sót trong cơ thể người nhiều tháng và sau đó bị phản ứng viêm của cơ thể tiêu diệt hoặc khiến chúng ngừng phát triển nhưng chỉ sau khi các ấu trùng này đã gây tổn thương tại các mô.  

Người mắc bệnh khi nuốt phải trứng giun đũa chó, mèo đã hoá phôi. Các ấu trùng từ trứng nở ra sẽ không phát triển được đến giai đoạn trưởng thành mà chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm gây tổn thương tại những nơi chúng đến và bệnh giun đũa chó, mèo ở người.

Mức độ tổn thương của cơ thể cùng với các triệu chứng tùy thuộc vào số lượng ấu trùng cũng như cơ quan mà chúng xâm nhập như: gan phổi hệ thần kinh trung ương mắt…  

Vì vậy, để phòng bệnh, người dân cần chú ý dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm hàng tuần. Phân chó, mèo phải được chôn lấp hay bỏ vào túi và vứt bỏ vào thùng rác. Chú ý không cho trẻ chơi đùa nơi có chó, mèo thải phân. Thường xuyên rửa tay với xà phòng sau khi chơi đùa với chó, mèo, sau khi nghịch đất cát và trước khi ăn uống Định kỳ tẩy giun cho chó, mèo.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật