Làm đẹp, chấn thương và những khuôn mặt đã biến dạng

Các bác sĩ Khoa phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện thành công kỹ thuật vi phẫu nối ghép dây thần kinh số 7 cho nhiều người bệnh, đây là một trong những phương pháp tạo hình khó của vùng hàm mặt. Nhờ kỹ thuật này mà những người bệnh bị đứt hay bị liệt dây thần kinh số 7 hoàn toàn có thể phục hồi chức năng tối đa, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt là yếu tố thẩm mỹ.

Chấn thương và khuôn mặt dị dạng

Bệnh nhân Nguyễn Đức H. (Hà Nội) được chuyển đến Khoa phẫu thuật tạo hình - Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng tai nạn bị đa chấn thương và tổn thương nặng vùng hàm mặt. Không chỉ bị rách nát bầm dập nhiều vị trí trên mặt mà bệnh nhân còn bị đứt dây thần kinh số 7.

Dây thần kinh số 7 đi ra từ ống tai, có chức năng điều khiển các cơ trên mặt, giúp cho việc biểu hiện cảm xúc tình cảm như nhướn mắt ngạc nhiên, mỉm cười..., nó còn nhận cảm giác của một số tuyến nước bọt nước mắt... Do đó khi dây thần kinh này bị đứt nếu không được phục hồi bệnh nhân sẽ mất hết những cảm nhận trên và mang theo một khuôn mặt dị dạng.

ThS. Nguyễn Hồng Hà - Trưởng Khoa phẫu thuật tạo hình cho biết, với những trường hợp nặng như bệnh nhân H., các bác sĩ vừa phải phẫu thuật cấp cứu trên cơ thể đa chấn thương đồng thời phải tìm và tiến hành nối liền tất cả những dây thần kinh trên mặt bị đứt của bệnh nhân dưới kính vi phẫu.

Thách thức lớn nhất cho các bác sĩ phẫu thuật tạo hình lúc này là phải thực hiện nhiều phẫu thuật cùng một lúc, do bệnh nhân bị vỡ ống nước bọt, vỡ xương hàm, tổn thương nhiều cơ trên mặt... đồng thời phải tìm thấy đủ các đầu dây thần kinh để khâu nối chúng lại trong đám máu tụ và da thịt dập nát. Nếu chấn thương quá nặng, các bác sĩ sẽ cố gắng tìm nối những nhánh lớn, còn những nhánh nhỏ phải đợi một thời gian sau tiếp tục ghép với những dây thần kinh khác trên vùng hàm mặt.

Không chỉ phẫu thuật nối liền những trường hợp bị tai nạn làm đứt dây thần kinh số 7, nhiều trường hợp bị liệt dây thần kinh này do bệnh lý (u não, u tuyến mang tai liệt mặt do viêm dây thần kinh...) cũng được phục hồi. Sau phẫu thuật tạo hình, những khuôn mặt biến dạng (méo mồm, lệch mặt, không thể chớp mắt...) có thể trở về như bình thường.

Khả năng phục hồi tối đa nếu bệnh nhân đến viện sớm

ThS. Bùi Mai Anh, người trực tiếp thực hiện nhiều ca vi phẫu này cho biết, hiệu quả điều trị không chỉ phụ thuộc vào mức độ tổn thương nhiều hay ít mà còn phụ thuộc rất lớn vào thời gian đến viện điều trị của người bệnh. Các ca bệnh bị chấn thương vùng hàm mặt có tổn thương dây thần kinh số 7 nếu đến trước 72 giờ đầu tiên thì sẽ được nối lại dưới kính vi phẫu.

Nếu bệnh nhân đến muộn sau thời gian 1 năm thì có thể đã bị thoái hóa nhiều do đó phải sử dụng biện pháp nối với các dây thần kinh khác trên mặt như dây thần kinh số 11, 12, thần kinh cơ cắn... Trong trường hợp người bệnh đến muộn hơn nữa (trên 18 tháng) phải dùng các biện pháp khác là chuyển cơ.

Đó là thực hiện chuyển cơ tại chỗ, dùng cơ thái dương, do cơ này có dây thần kinh số 5 chi phối. Ưu điểm của chuyển cơ tại chỗ là vẫn bảo đảm chức năng của các dây thần kinh trên mặt, thời gian phẫu thuật mất vài tiếng và không phải thực hiện vi phẫu.

Nhưng trong trường hợp không thể dùng cơ thái dương, do dây thần kinh ở đó bị thoái hóa nặng phải thực hiện chuyển cơ thon ghép bằng vi phẫu. Thời gian của phẫu thuật này khá lâu phải mất từ 8-10 tiếng. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật vi phẫu, những trường hợp bị liệt dây thần kinh số 7 thường điều trị  nội khoa, châm cứu bấm huyệt nhưng có rất nhiều trường hợp không khỏi và bệnh nhân phải sống khổ sở như vậy suốt cuộc đời.

Hiện nay, nhờ kỹ thuật nối vi phẫu, hoàn toàn có thể phục hồi chức năng dây thần kinh này cho người bệnh. Sau khi ghép nối phục hồi chức năng là rất quan trọng, bệnh nhân sẽ phải tập phục hồi chức năng mỗi ngày ít nhất 3 lần, mỗi lần 20 phút trong vòng từ 3 - 6 tháng, các nhánh thần kinh này sẽ phục hồi trở lại và bệnh nhân có một khuôn mặt bình thường.

Đối với các trường hợp bệnh nhân đến sớm tỷ lệ thành công có thể lên đến 90-95% còn với các bệnh nhân đến muộn tỷ lệ thành công cũng có thể đạt 80%. Thời gian hồi phục có thể mất từ 6 tháng trở lên, những trường hợp nặng có thể mất hằng năm.

Theo ThS. Bùi Mai Anh, lấy dây thần kinh lưỡi (thần kinh XII), thay dây thần kinh số VII không làm ảnh hưởng gì đến chức năng của các bộ phận liên quan đến dây thần kinh này. Việc lấy cơ cũng chỉ để lại sẹo rất nhỏ ở dưới chân tóc nên không gây mất thẩm mỹ. Quá trình khâu nối bằng phương pháp vi phẫu sẽ được các bác sĩ phải sử dụng một loại chỉ rất nhỏ (nhỏ chỉ bằng 1/5 sợi tóc) khâu nối các đầu dây thần kinh lại với nhau.

Trong tạo hình hàm mặt, nếu chấn thương ở các vị trí khác điều quan trọng nhất là nối các mạch máu để nuôi sống các tế bào còn khi tổn thương dây thần kinh tạo hình phải bảo đảm chức năng vận động được. Nối các đầu dây thần kinh là một việc rất khó trong vi phẫu do đặc điểm giải phẫu của chúng như những bó sợi, khả năng phục hồi càng cao khi các sợi dây thần kinh được nối nhiều nhất và đúng nhất. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật