Mách bạn 5 mẹo nhỏ để làm giò lụa thơm và ngon hơn

Giò lụa vốn là món ăn cổ truyền dân dã trong mỗi dịp Tết. Ngày nay nhiều nhà chọn cách làm giò lụa tại nhà thay vì mua tuy nhiên muốn món giò lụa ngon, không bị thiu, để được lâu bạn nên tham khảo những mẹo nhỏ sau.

Có rất nhiều cách làm giò lụa, mỗi loại giò lại có sự khác biệt đôi chút về các phụ gia, cách gói, ướp... Tuy nhiên để có cây giò lụa ngon, để được lâu trong dịp Tết, ăn có mùi thơm thì bạn nên bỏ túi một vài mẹo nhỏ sau nhé!

Chọn thịt làm giò phải ngon và nước mắm có độ đạm cao

Giò lụa được làm bằng cách xay nhuyễn thịt được ướp với một ít gia vị, gói lá chuối và đem hấp chín. Ít nguyên liệu như vậy, nên muốn gòi giò lụa ngon thì phải chọn kỹ nguyên liệu và phối hợp gia vị tinh tế.

Trong đó khâu chọn thịt lợn tươi, ngon là một trong những khâu quan trọng và “khó tính” nhất. Thịt ngon để làm giò thường là thịt gọ, phần thịt nạc, có một lớp mỡ mỏng bao bọc bên ngoài, thơm dẻo, chỉ cần xay, chưa cần quết thịt đã chắc nịch. Giò chả sau khi ra lò cũng dai và giòn hơn.

Một trong những nguyên liệu quyết định đến hương vị của giò lụa hoặc chả lụa là nước mắm ngon, độ đạm cao. Thịt sau khi mua về rửa sơ, xắt nhỏ, ướp hành tím băm, ít tép tỏi băm đường phèn hạt nêm, nước mắm ngon. Thay vì đường cát, bạn nên giã nhuyễn đường phèn và cho vào. Đường phèn sẽ giúp cho miếng giò có vị ngọt thanh, không gắt.

Xay và quết kỹ để nguyên liệu làm giò dạt độ mịn hoàn hảo

Muốn làm giò lụa ngon, bạn nên ướp nguyên liệu trong khoảng 30' - 1h, hơn sau đó cho vào máy xay nhuyễn 5-10 phút đến khi thịt mịn nhuyễn, không còn thấy các thớ sợi thịt nữa. Sau khi xay lấy ra quết nhanh một chiều bằng muỗng thiếc đến khi không thể nhấc muỗng lên nữa là được.

Ngăn chặn thịt chín tái trong quá trình chế biến giò lụa

Trong quá trình chế biến giò lụa, nếu không cẩn thận, bạn dễ làm thịt bị chín tái. Điều này khiến cho khoanh giò mất đi độ tươi ngon vốn có. Những trường hợp đó có thể đến từ việc xay thịt quá tốc lực trong thời gian dài hay ướp với nhiều gia vị dễ gây chín thịt như tỏi tiêu, giấm...

Để tránh điều này khi xay thịt làm giò lụa bạn nên cho ít nước đá hoặc đá viên vào xay cùng. Đá lạnh sẽ làm giảm nhiệt độ do quá trình xay gây nên. Sau khi ướp thịt, nên bọc kín, cho ngay vào tủ lạnh bảo quản trong 1 giờ. Cách này vừa giúp thịt không bị chín tái do gia vị, vừa tạo độ xốp để khi xay và quết thịt săn ngon hơn.

Khi gói giò lụa phải gói chắc tay

Giò lụa thường được gói thành cây dài dài giống bánh tét. Nếu chưa quen, khi gói, để khoanh giò được tròn đẹp, chắc tay, bạn có thể xếp lá chuối vào hộp sữa sau đó cho thịt đã quết mịn vào, nén chặt, buộc chặt tay.

Lá chuối sau khi cắt, rửa sạch có thể để trên nồi nước sôi để hơi nước lan tỏa làm lá dai, dễ gói hơn. Thêm một lưu ý nữa là tuy gói chắc tay nhưng bạn không nên bó quá chặt vì khi hấp chín giò lụa sẽ nở ra thêm, gói quá chặt sẽ khiến khoanh giò bị nén bung, không đẹp.

Hấp giò đúng cách và thử xem giò lụa đã chín chưa?

Sau khi đã hoàn thành công đoạn gói, bạn tiếp tục cho giò lụa vào nồi và hấp trong khoảng 40-50 phút. Sau đó vớt chả ra, thả xuống đất, nếu giò có độ đàn hồi là đã chín. Tiếp đó, treo giò lụa lên cao cho khô ráo hẳn mới cắt ra dùng.

Với những mẹo nhỏ trên, chắc chắn bạn sẽ có cây giò lụa thơm, ngon đúng vị truyền thống. Bạn cũng có thể áp dụng những bí quyết nấu ăn này vào cách làm chả lụa. Không cần mua giò ngoài hàng, bạn có thể tự làm giò lụa tại nhà để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình rồi đó. Giò lụa ăn với bánh chưng, bánh tét, cơm nóng thịt gà luộc thì ngon vô cùng.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật