Những phong tục ngày Tết bị biến tướng không phải ai cũng biết

Tết nguyên đán là lễ hội cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất và rộng khắp nhất trên đất nước. Tết được coi là những ngày đặc biệt nhất trong một năm, là dịp gia đình sum vầy, tề tựu. Tuy nhiên, trong thời đại ngày nay, nhiều phong tục đẹp ngày Tết đã bị biến tướng ít nhiều.

Xông đất

Theo tục xưa, người đến thăm gia đình đầu tiên trong ngày mùng 1 năm mới gọi là người xông nhà hay xông đất, đạp đất. Người ta tin rằng người khách này sẽ đem đến điều may mắn hay rủi ro cho gia đình suốt năm đó nên thường chọn người xông nhà rất kỹ.

Chủ nhà thường chọn trong số bạn bè, họ hàng một người tốt vía, khỏe mạnh, xởi lởi xông nhà để năm mới được tốt đẹp, mọi điều hanh thông. Đó là những người gia cảnh song toàn, con cháu đầy đàn, có tính cách vui vẻ gia đình hạnh phúc làm ăn thịnh vượng. Những người này sẽ được hẹn trước, mời tới xông nhà vào ngày, giờ nhất định. Thời điểm xông nhà, có thể diễn ra trong vòng 3 ngày Tết, nhưng chủ yếu là ngày mùng một Tết, tính từ ngay sau thời khắc giao thừa.

Theo tục xưa, người đến thăm gia đình đầu tiên trong ngày mùng 1 năm mới gọi là người xông nhà

Theo tục xưa, người đến thăm gia đình đầu tiên trong ngày mùng 1 năm mới gọi là người xông nhà

Năm nay lịch nghỉ Tết Nguyên đán khá dài, nên mọi người có thể dành thời gian xem kỹ và chọn người hợp tuổi, hợp mệnh ...để xông đất mang lại may mắn cho gia đình. Dịch vụ này bắt đầu nở rộ ở một số thành phố. Giá cả cho dịch vụ này không rẻ: 2,5 triệu đồng nếu thuê một người, và 6 triệu đồng cho cả bộ 3 ông Phúc - Lộc - Thọ. Nếu gia chủ yêu cầu chính xác về tuổi của người xông đất thì phải trả thêm 500.000 đồng.

Nhân viên một công ty chuyên cung cấp dịch vụ cho thuê người xông đất đầu năm cho hay, việc này đôi khi cũng xảy ra những điều đáng tiếc, vì có nơi có thể vì lý do không kiếm được đủ người hợp tuổi với gia chủ nhưng tham lợi nhuận nên gây mất uy tín. Hay có người được thuê xông đất vào một giờ nhất định mà lại đến muộn, thậm chí ăn cắp đồ vào năm mới, khiến gia chủ phiền lòng, coi đó là điềm gở.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải, Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người cho rằng, xông đất là vấn đề văn hoá tâm linh, mang tính truyền thống và mọi người không nên quá cầu kỳ đối với tập tục này, cũng như quá kỳ vọng vào người xông đất. Điều đó có thể đặt gánh nặng tới họ bởi chẳng may gia đình gặp điều không may trong năm người xông đất có thể mang tiếng là mang điềm gở tới. "Tôi năm nào cũng tự xông đất cho nhà mình. Tôi tự làm tôi tự chịu trách nhiệm", ông nói.

Lì xì Tết

Theo giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Trưởng Bộ môn Văn hóa học, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, tục phát vốn, lì xì ngày Tết là một nét đẹp văn hóa truyền thống Việt Nam. Theo phong tục, người lớn phát vốn hay lì xì cho trẻ nhỏ, con cái mừng tuổi cho bố mẹ, ông bà. Tiền lì xì là tiền lẻ (thể hiện sự sinh sôi nảy nở) màu đỏ, đựng trong phong bao đỏ mang ý nghĩa gây dựng, cầu chúc sự phát đạt, may mắn. Nó có ý nghĩa tượng trưng nhiều hơn là giá trị vật chất.

Tục lì xì đang dần bị thương mại hóa trong cuộc sống hiện đại. Điều này đã biến thành việc tặng tiền thô thiển, tới mức có nhiều trẻ tỏ ra không hài lòng nếu người lớn không lì xì, hoặc nhận phong bao đỏ thì lập tức rút tiền để xem mệnh giá. Nhiều người lớn cảm thấy bị áp lực vì việc phải chuẩn bị tiền lì xì cho trẻ trong gia đình, họ hàng, con đối tác... Thậm chí, trong nhiều trường hợp, lì xì đã biến tướng thành kiểu hối lộ công khai.

Hái lộc đầu năm

Xuất hành hái lộc là một phong tục đầu năm của người Việt từ xa xưa. Thường khi xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người ta có tục hái một nhành lộc để mang về nhà lấy may, lấy phước. Cành lộc có thể là một cành đa, đề, cành si... những loại cây quanh năm tươi tốt và nẩy lộc. Cành lộc này thường được đem về cắm ở bàn thờ. Từ "lộc" trong hái lộc có hai nghĩa là nhánh cây non và bổng lộc. Hái lộc về mặt nhân văn chứa đựng một đạo lý hết sức tinh tế, đó là có được những điều may mắn, điều mà ta ước mơ, mong cầu.

Những năm gần đây việc lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng tục hái lộc đầu xuân đã gây ra sự phá hoại môi sinh, môi trường. Có những người mang sẵn dao, cưa đi "hái lộc". Họ không coi việc hái lộc chỉ là quy ước lấy lệ khi ngắt một cành lộc nhỏ gọi là lấy may của thời khắc đầu năm mới, mà bẻ cả cành to, chặt cả cây mong có lộc lớn, mang lại sự sung túc cho bản thân và gia đình. Nhiều người nghĩ các cây xanh ở nơi vườn, sân, cổng chùa chiền, miếu phủ là rất linh thiêng, và nhiều lộc nên làm liều vào những nơi đó để bẻ trộm lộc cây.

Vì điều này, sau mỗi đêm giao thừa, cây xanh ở nhiều nơi (nhất là các cây đa, si…) đều xơ xác, tan tác. Từ ý nghĩa tốt đẹp của việc hái lộc còn nảy ra một dịch vụ gọi là bán cành, cây lộc. Những người buôn bán này lên tận các tỉnh vùng núi - nơi có nhiều cây cối như Phú Thọ, Bắc Giang... để đốn cây về phạt cành bán.

Cúng ông Công ông Táo

Cúng tiễn ông Công ông Táo về trời (23 tháng Chạp) là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Tục cúng Táo quân khởi nguồn từ bếp lửa, tượng trưng cho sự ấm no, sung túc. Sau này, dựa trên các sự tích liên quan đến bếp lửa, dân gian mới sáng tạo ra câu chuyện "hai ông, một bà" nhưng vẫn có ý nghĩa mong muốn một cuộc sống no đủ, bếp gia đình lúc nào cũng rực lửa.

Cúng xong, nhiều người còn mang con cá ra sông, hồ để thả

Cúng xong, nhiều người còn mang con cá ra sông, hồ để thả

Theo quan niệm người xưa, vì quanh năm ở trong bếp nên Táo quân biết hết mọi chuyện hay dở, tốt xấu của gia chủ. Vì thế, để Vua Bếp “phù hộ” nhiều điều may mắn trong năm mới, gia đình làm lễ tiễn đưa Táo quân về chầu Ngọc Hoàng với mâm cỗ mặn, trầu cau rượu trắng, hương, đèn, nến, hoa, quả tươi. Ngoài ra, không thể thiếu hai mũ cánh chuồn cho Táo Ông và một mũ không có cánh chuồn cho Táo Bà, ba cái áo bằng giấy cá chép giấy để làm phương tiện cho “Vua Bếp” lên chầu trời.

Hiện nay, phong tục này bị hiểu sai và biến tướng. Nhiều người sắm đủ các loại hàng mã, từ quần, áo, nhà lầu, xe hơi, tới máy bay, máy tính, điện thoại… để cúng Táo quân, xin cho nhiều lộc, nhiều tiền, được thăng quan, tiến chức... Trước đây, người ta cúng con cá chép giấy để Táo quân làm phương tiện lên chầu trời, thì bây giờ cúng cá sống, cả cá nhập ngoại.

Cúng xong, nhiều người còn mang con cá ra sông, hồ để thả; tro đốt hàng mã quần áo, mũ của Táo Ông, Táo Bà cũng phải mang ra sông, hồ để đổ. Nhiều người vứt cả túi nylon đựng cá ném từ cầu xuống sông. Thậm chí có người còn trực sẵn ở các đoạn sông, hồ hay có người phóng sinh cá để vớt lại rồi đem bán tiếp. Cảnh tượng quen thuộc những năm qua là trong ngày 23 tháng chạp, trên cầu, mặt ao hồ ở Hà Nội đầy rác bẩn do người dân vứt ra từ túi nylon, tro hóa vàng, đồ thờ...

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật