Những bệnh về bụi phổi, hô hấp gây nguy hiểm như thế nào?

Theo thống kê của ngành y tế, cả nước có 5.171 trường hợp nghi mắc bệnh nghề nghiệp được khám phát hiện, tập trung vào bệnh bụi phổi silic, bụi phổi bông, viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc benzen, bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ, điếc do tiếng ồn, sạm da nghề nghiệp, viêm da... Số lũy tích bệnh nghề nghiệp là hơn 27.000 trường hợp. Bệnh nghề nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động mà còn ảnh hưởng đến doanh nghiệp khi người lao động buộc phải nghỉ để điều trị.

Những con số kể trên chắc chắn chưa phản ánh hết thực tế, bởi lẽ, theo TS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, cho đến nay chỉ có khoảng trên 15% cơ sở lao động trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kỳ. Qua điều tra tại 51 cơ sở y tế cho thấy, có tới 42,85% số lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trong đó có 0,28% người lao động bị tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc tổ chức huấn luyện về an toàn lao động và vệ sinh lao động còn rất hạn chế, chỉ có 20% số đơn vị tổ chức huấn luyện và 15% đơn vị xây dựng được tài liệu huấn luyện...

Đặc biệt, những nội dung về phòng chống bệnh nghề nghiệp, các yếu tố nguy cơ lây nhiễm và không lây nhiễm, các yếu tố nguy cơ liên quan đến an toàn, tai nạn lao động và biện pháp dự phòng ít được nhắc đến... PGS.TS. Nguyễn Thị Bích Liên, Trường đại học Y Hà Nội cho biết, kết quả nghiên cứu năm 2012 của Viện Đào tạo y học dự phòng và Y tế công cộng - Trường đại học Y Hà Nội về thực trạng điều kiện lao động ngành xây dựng dân dụng công nghiệp ở Việt Nam hiện nay cho thấy, phần lớn người lao động trong lĩnh vực này có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nhiều so với các ngành nghề khác, trong đó bệnh hô hấp chiếm tỷ lệ cao lên đến 27%, bệnh liên quan đến mắt là 30 - 48%... Người lao động trong ngành nghề này tiếp xúc với các yếu tố độc hại cao nhất là bụi (78,7%), sau đó là tiếng ồn (63%) và căng thẳng là 21%... Trong khi đó, khả năng đáp ứng dịch vụ y tế lao động cơ bản của ngành này chưa được tốt...

Tương tự như vậy, bệnh nghề nghiệp trong ngành khai thác mỏ, đặc biệt là các cơ sở tư nhân, các quy định về chăm sóc sức khỏe người lao động hầu như được thực hiện một cách đối phó. Theo báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ninh, qua kết quả tổng hợp về các bệnh hiện mắc của công nhân mỏ cho thấy, đa số họ bị mắc các bệnh về răng hàm mặt, tai mũi họng, người lao động có sức khỏe loại 2 và loại 3 là chủ yếu.  

 

Theo PGS.TS. Trần Thị Ngọc Lan - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, công tác y tế lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2012 có những khó khăn và hạn chế là do tổ chức nhân lực và trang thiết bị y tế lao động của các tuyến còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu về vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động. Bên cạnh đó, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở lao động về vệ sinh lao động còn yếu, chưa có tư vấn và hỗ trợ của ngành y tế lao động, quản lý sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa, các doanh nghiệp, đơn vị vẫn chưa thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh lao động, người lao động chưa tự nhận thức đầy đủ về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động...

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật