Theo dõi bệnh glôcôm chúng ta cần phải làm những gì?

Glôcôm là một bệnh khá phổ biến, hiện nay ước tính thế giới có khoảng hơn 60 triệu người mắc căn bệnh này. Những tổn thương của bệnh không có khả năng hồi phục, do vậy mà glôcôm đang là nguyên nhân gây mù đứng hàng thứ hai trên thế giới cũng như ở Việt Nam.  Mặc dù đã được điều trị nhưng nhiều trường hợp bệnh glôcôm vẫn tiếp tục tiến triển nặng lên. 

 

Các nghiên cứu theo dõi bệnh glôcôm đều cho thấy với nhiều phương pháp điều trị khác nhau vẫn luôn tồn tại một tỷ lệ nhất định bệnh có tiến triển. Nghiên cứu tại khoa glôcôm Bệnh viện Mắt Trung ương sau 7 năm cho thấy có 46,3% bệnh vẫn tiếp tục nặng lên sau điều trị phẫu thuật.  Vì vậy, việc theo dõi định kỳ sau điều trị là vô cùng quan trọng nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn tiến triển của bệnh. Qua quá trình theo dõi này, nhiều trường hợp bệnh diễn biến xấu đã được phát hiện, hơn nữa khi thời gian theo dõi càng dài thì số những trường hợp bệnh tiến triển càng tăng lên.     

Việc theo dõi bệnh glôcôm không đơn thuần chỉ đánh giá tình trạng nhãn áp mà còn đánh giá tình trạng tổn hại của bệnh biểu hiện ở đáy Mắt và thị trường. Hiện nay, máy chụp cắt lớp võng mạc thị trường kế tự động với những chương trình đo đạc, tính toán, phân tích chính xác đã giúp ích rất nhiều cho các thầy thuốc lâm sàng trong việc theo dõi, đánh giá bệnh glôcôm. Đồng thời, các nhà nhãn khoa cũng không ngừng nghiên cứu để tìm ra được một tiêu chuẩn vàng giúp cho việc xác định tiến triển bệnh được chính xác, có độ tin cậy cao cũng như phát hiện sớm được tổn hại tiến triển của bệnh. Do đó mà hiện nay trên thế giới rất nhiều tiêu chuẩn tiến triển bệnh được đưa ra và mỗi tiêu chuẩn đều có ưu, nhược điểm riêng.

Ðánh giá nhãn áp

Nhãn áp là yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến bệnh glôcôm và là yếu tố có thể điều chỉnh được. Tuy nhiên, nhãn áp hạ bao nhiêu là đủ để đảm bảo không có sự tiến triển của bệnh đang được đặt ra trong việc theo dõi bệnh nhân glôcôm. Việc kiểm soát nhãn áp là cần thiết, được coi là quan trọng nhất trong quy trình theo dõi, quản lý bệnh nhân glôcôm. Ngay cả những bệnh nhân đã được điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật, nhãn áp vẫn là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tiến triển bệnh glôcôm.  

Mục đích của các phương pháp trong điều trị glôcôm là hạ nhãn áp, đạt được mức nhãn áp đích. Nhãn áp đích là mức nhãn áp mà ở mức đó không có sự tiếp tục tổn hại nặng lên của bệnh. Mức nhãn áp này thay đổi ở từng bệnh nhân do mỗi bệnh nhân có mức chịu đựng nhãn áp khác nhau. Do đó, đối với bệnh nhân có nhạy cảm với nhãn áp đồng thời lại đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh thì mức nhãn áp đích phải thấp thì mới hiệu quả. Ở mỗi giai đoạn của bệnh, nhãn áp đích có giá trị khác nhau. Giai đoạn càng nặng thì nhãn áp đích càng cần phải thấp hơn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nhãn áp đích sau mọi điều trị phải đạt dưới 21mmHg, nhưng nếu bệnh đang trong giai đoạn tiến triển thì nhãn áp phải dưới 15mmHg. 

Đối với mỗi bệnh nhân, thì mức nhãn áp đích cũng thay đổi theo thời gian, nhất là trong thời gian đó bệnh vẫn tiến triển, hoặc kèm theo một số bệnh toàn thân khác như đái tháo đường tim mạch… Do đó việc tái khám đánh giá tiến triển bệnh là cần thiết và trong mỗi lần khám đó phải kiểm tra nhãn áp đích còn có giá trị hay không?

Ðánh giá thị trường, đáy mắt 

Thị trường là chức năng thị giác quan trọng để đánh giá tiến triển bệnh glôcôm. Bảo tồn thị trường cũng là mục đích trong điều trị bệnh glôcôm.Glôcôm là một bệnh biểu hiện bởi tổn thương không hồi phục của đầu dây thần kinh thị giác cùng với sự thu hẹp thị trường tương ứng. Tiến triển của bệnh glôcôm được đánh giá bằng tổn hại tăng dần của đầu thị thần kinh, sự mất dần lớp sợi thần kinh võng mạc quanh gai thị và sự biến đổi của thị trường. Việc khám đáy mắt, đo thị trường tại mỗi lần khám là thao tác bắt buộc trong quy trình theo dõi bệnh nhân glôcôm. Những kết quả ghi lại sau khi khám sẽ là thông số cho biết tình trạng bệnh, sự thay đổi so với những lần khám trước, từ đó giúp đánh giá tiến triển bệnh. 

Sự biến đổi thị trường càng nhanh thì chức năng thị giác cũng giảm càng sớm. Ở giai đoạn bệnh càng nặng, tổn hại thị trường diễn ra càng nhanh.

Ở những cơ sở y tế không có máy đo thị trường, người ta có thể sơ bộ đánh giá tổn thương thị trường bằng phương pháp ước lượng bằng tay.

Để theo dõi tình trạng đáy mắt có thể dựa vào khám lâm sàng hoặc khám cận lâm sàng (máy chụp cắt lớp đáy mắt, máy chụp đĩa thị…). Kết quả khám cần được ghi lại chi tiết, cụ thể. Khám lâm sàng mang tính chủ quan, độ chính xác không cao, tuy nhiên không thể bỏ qua trong quy trình khám bệnh glôcôm vì nó cho nhận định sơ bộ về lâm sàng.

 

Khám cận lâm sàng cho kết quả cụ thể, đưa ra con số, hình ảnh, đồ thị giúp cho việc đánh giá tổn hại dễ dàng, chính xác  hơn. Tuy nhiên, dù là phương tiện đo nào thì cũng có một sai số cho phép, do đó việc kết hợp giữa khám lâm sàng và cận lâm sàng là cần thiết để đánh giá đúng tổn hại của bệnh. Dựa trên kết quả khám thị trường, đáy mắt có thể kết luận bệnh glôcôm đang ở giai đoạn nào và bệnh có tiếp tục nặng lên hay không.

Tùy vào tình trạng bệnh đang ổn định hay đang nặng lên, tùy vào tình trạng bệnh toàn thân mà thời gian tái khám có thể là 1 tháng, 3 tháng hay 6 tháng. Việc tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ là vô cùng quan trọng ảnh hưởng rõ rệt đến kết quả điều trị cũng như sự ổn định hay nặng lên của bệnh.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật