Thuốc giảm đau nhóm Opioid và các nguy cơ khi sử dụng, bạn có biết?

Nhóm thuốc opioid là nhóm thuốc mang lại hiệu quả cao trong điều trị giảm đau, đặc biệt là giảm đau do ung thư. Tuy nhiên, việc sử dụng nhóm thuốc opioid trong một thời gian dài, cần phải hết sức thận trọng.

Nhóm thuốc opioid

Các thuốc opioid thuộc nhóm thuốc kê đơn và thường được các thầy thuốc chỉ định trong điều trị giảm đau do chấn thương hay do phẫu thuật và trong các bệnh lý mạn tính như: ung thư… Ngoài ra, trong thành phần một số loại thuốc ho cũng có chứa thuốc opioid.

Cơ chế tác động:

Khi vào cơ thể, thuốc opioid sẽ liên kết với các thụ thể opioid tập trung nhiều ở hệ thống thần kinh trung ương, ngoại biên và đường tiêu hóa… Tác động giảm đau của thuốc opioid là làm giảm phản ứng đau của cơ thể do giảm truyền các tín hiệu đau đến não và tăng ngưỡng chịu đau của cơ thể.

Phân loại:

Thuốc opioid được chia làm 2 nhóm: nhóm có nguồn gốc tự nhiên chiết xuất từ thuốc phiện (opium, morphin, codein) và nhóm có nguồn gốc tổng hợp (hydrocodon heroin fentanyl tramadol…).

Tác dụng phụ:

Khi sử dụng nhóm thuốc opioid, cần lưu ý một số tác dụng phụ có thể xảy ra:

- buồn ngủ (tránh sử dụng cho người lái xe, vận hành máy móc…).

- Chóng mặt buồn nôn

- Suy hô hấp

- Táo bón.

- Gây hưng phấn, ảo giác…

Các nguy cơ khi sử dụng nhóm thuốc opioid

Thuốc opioid tương đối an toàn khi sử dụng trong thời gian ngắn, với liều lượng chính xác theo chỉ định của thầy thuốc. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc opioid trong một thời gian dài, có thể gây ra các nguy cơ sau:

Nguy cơ dung nạp thuốc (drug tolerance):

Nguy cơ dung nạp thuốc xảy ra khi liều đáp ứng điều trị ban đầu của thuốc opioid, mất dần tác dụng theo thời gian. Muốn đạt hiệu quả điều trị, cần phải tăng liều dùng thuốc opioid.

Nguy cơ lệ thuộc thuốc (drug dependence):

Nguy cơ lệ thuộc thuốc xảy ra khi sử dụng thuốc opioid trong một thời gian dài, cơ thể dần thay đổi và lệ thuốc vào thuốc. Khi ngưng sử dụng thuốc, cơ thể sẽ xuất hiện các triệu chứng “cai thuốc” như run rẩy, nôn ói tiêu chảy mất ngủ trầm cảm…

Để phòng tránh nguy cơ lệ thuộc thuốc, các thầy thuốc sẽ thay thế bằng một loại thuốc giảm đau khác và đồng thời giảm dần liều dùng thuốc opioid cho đến khi cơ thể không còn lệ thuộc vào thuốc và các triệu chứng cai thuốc biến mất!

Nguy cơ nghiện thuốc (Addiction):

Thuốc opioid mang lại ảo giác khoái cảm cho người sử dụng. Khi lạm dụng thuốc opioid trong một thời gian dài để tìm ảo giác khoái cảm, sẽ đưa đến nguy cơ nghiện thuốc!

Khác với hai nguy cơ trên là những phản ứng không mong muốn của thuốc gây ra cho cơ thể người sử dụng, nguy cơ nghiện thuốc được xem là một dạng bệnh lý!

Người nghiện thuốc không cưỡng lại được sự thôi thúc sử dụng thuốc để thỏa mãn con thèm thuốc, bất chấp các tác hại do thuốc gây ra.

Khi ngừng sử dụng thuốc, ở người nghiện thuốc cũng sẽ xuất hiện các triệu chứng cai thuốc.

Nguy cơ nghiện thuốc còn xảy ra ở các đối tượng sử dụng các thuốc opioid không phải để điều trị giảm đau mà như là một chất ma túy để tìm ảo giác.

Hiện nay để điều trị nghiện heroin (một opioid được xếp vào nhóm chất ma túy gây ảo giác), methadon đã được sử dụng làm chất thay thế do an toàn và ít gây tác hại hơn heroin.

Trong quá trình điều trị giảm đau với thuốc opioid, người bệnh cần tránh lạm dụng thuốc, tuân theo các chỉ định của thầy thuốc về liều lượng và thời gian sử dụng một cách chặt chẽ, sẽ giúp phòng tránh các nguy cơ có thể xảy ra!

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật