Viêm lệ quản - Những triệu chứng và hướng điều trị phù hợp

Viêm lệ quản là một tổn thương nhiễm trùng phần lệ quản của đường dẫn nước mắt. Đây là một bệnh lý ít gặp trong nhãn khoa và dễ bị bỏ qua hoặc dễ nhầm lẫn với viêm kết mạc, viêm túi lệ. Tuy ít gây ảnh hưởng đến chức năng thị giác nhưng bệnh viêm lệ quản ảnh hưởng đáng kể tới sự thoải mái và làm giảm chất lượng sống của bệnh nhân.

Viêm lệ quản chỉ chiếm khoảng 2% tổng số các ca bệnh về lệ đạo. Bệnh chủ yếu xảy ra ở nữ với độ tuổi trung bình là 64.

Về nguyên nhân khiến phụ nữ lớn tuổi bị viêm lệ quản được cho là do sự thay đổi về nội tiết việc giảm tiết nước mắt dẫn đến giảm khả năng chống nhiễm khuẩn Cũng có nghiên cứu đưa ra yếu tố thuận lợi gây viêm lệ quản ở phụ nữ là do sử dụng mỹ phẩm

Triệu chứng mắc viêm lệ quản

Bệnh viêm lệ quản dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với bệnh lý khác, nhất là viêm kết mạc mạn tính, ngoài lý do bệnh ít gặp còn bởi người mắc bệnh không có các triệu chứng đặc hiệu nên khó chẩn đoán chính xác. Tuy nhiên, khi mắt có các triệu chứng như sau, cần chú ý và nghĩ tới chẩn đoán viêm lệ quản:

Biểu hiện thường gặp của viêm lệ quản là người bệnh thường xuyên bị chảy nước mắt, đỏ mắt ở góc trong, có kèm tiết chất nhầy. Người bệnh thấy cộm mắt, khó chịu, thậm chí đau mắt Do lệ quản bị viêm, nên vùng mi thường bị sưng. Viêm lệ quản thường hay viêm đường lệ quản dưới, ít khi viêm lệ quản trên hoặc cả hai lệ quản. Lệ quản thường bị sưng phù, có chất tiết ở lỗ lệ như dịch mủ. Tuy vậy, đa số trường hợp lệ quản vẫn thoát tốt, bơm lệ quản trào ngược chỉ xảy ra ở một số trường hợp.

Nhiều bệnh nhân viêm lệ quản bị chẩn đoán nhầm với viêm kết mạc mạn tính, bởi viêm kết mạc góc trong cũng là một triệu chứng xuất hiện trong hầu hết các trường hợp viêm niệu quản. Do vậy khi bệnh nhân có các biểu hiện này cần khám kỹ vùng lệ quản, tránh bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm.

Điều trị thế nào?

Actinomyces, Norcadia, Streptococcus, Staphylococus nấm là các tác nhân thường gặp gây ra viêm lệ quản. Tác nhân thường gặp nhất là Actinomyces. Tác nhân này gây sỏi trong lệ quản, vì vậy việc lấy hết sỏi trong lệ quản là một yếu tố quan trọng trong điều trị.

Viêm lệ quản có thể được điều trị nội khoa hoặc bằng phẫu thuật. Điều trị nội khoa bao gồm dùng kháng sinh chống viêm tại mắt hoặc toàn thân, kết hợp với nong lỗ lệ và làm sạch lệ quản. Nếu có sỏi, cần nong rộng lỗ lệ và đảm bảo nặn lệ quản loại bỏ hết sỏi và các chất tiết trong lòng lệ quản. Nếu chỉ điều trị kháng sinh mà không lấy hết sỏi, cũng như nặn bỏ chất tiết trong lệ đạo, điều trị sẽ thất bại. Thời gian điều trị  một ca viêm lệ quản có thể kéo dài từ 4-10 tuần.

Tuy ít gặp và điều trị khá đơn giản bằng kháng sinh có thể đạt tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 100%, nhưng viêm lệ quản  có tỷ lệ tái phát khá cao. Nhiều báo cáo khoa học cho thấy, điều trị viêm lệ quản bằng nội khoa có tỷ lệ tái phát tới 44%. Điều trị bằng phương pháp ngoại khoa tạo hình lỗ lệ có tỷ lệ tái phát thấp hơn nhưng việc mở lệ quản có thể để lại các di chứng như hẹp lệ quản, tạo sẹo, rò lệ quản. Do đó, phương pháp điều trị nội khoa vẫn thường được áp dụng nhiều hơn.

Điều quan trọng trong điều trị viêm lệ quản là người bệnh cần đến thầy thuốc chuyên khoa sớm. Việc chẩn đoán chính xác bệnh viêm lệ quản là đã nắm chắc yếu tố thành công.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật