Bệnh tay chân miệng: không nổi bóng nước sao bệnh vẫn nặng thêm?

Nguyễn Phước T, 12 tháng, nhà ở xã Mỹ Hạnh Đông, Cai Lậy, Tiền Giang, bị bệnh một ngày, khởi đầu ói, sau đó đừ, thở mệt nên gia đình đưa em vào bệnh viện liền (hôm 18/11). Bác sĩ khám thấy bé ngủ gà, thở nhanh nông, nhịp tim rất nhanh 198 lần/phút dù lúc đó bé đang nằm yên, huyết áp cao. Bé được chẩn đoán là bệnh tay chân miệng (TCM) độ 3, nên bác sĩ khẩn trương tiếp hơi cho bé, truyền thuốc vào tĩnh mạch, chuẩn bị máy thở…. Khi bé tạm ổn, các bác sĩ cố gắng tìm kiếm dấu hiệu bóng nước và loét miệng của cháu, nhưng tìm mãi vẫn không thấy, chỉ có một nốt ban màu hồng bé xíu ở kẽ ngón tay như vết ruồi son.

Mẹ cháu cho biết là nó mới nổi lên, chứ hồi xưa đến giờ không có nốt đỏ nhu vậy. Nhờ nốt đỏ này (chuyên môn gọi là hồng ban) mà việc chẩn đoán bệnh tay chân miệng được thêm chắc chắn. Sau đó cháu được lấy phân, dịch họng để nuôi cấy tìm siêu vi trùng gây bệnh. 

Đây là một trường hợp bệnh TCM nặng cấp tính, bệnh diễn biến xấu nhanh chóng mà chưa kịp xuất hiện đầy đủ các triệu chứng như các bệnh TCM thông thường. Có lẽ do siêu vi gây bệnh khi vào hệ tiêu hóa nó phát triển nhanh trong ống tiêu hóa sau đó siêu vi vào máu, nó chưa kịp đi đến da và niêm mạc để gây nổi bóng nước, mà trực tiếp đi thẳng đến não, hành não, trung tâm điều hòa hô hấp tim mạch, vừa gây tổn thương trực tiếp lên tế bào não, vừa gây nên chuỗi phản ứng miễn dịch của cơ thể khiến người bệnh bị viêm não-màng não viêm cơ tim phù phổi cấp.

Thực tế cho thấy bệnh nhân bị Enterovirus 71 dễ gây biến chứng tối cấp, nguy hiểm mà ít nổi bóng nước, trong khi coxsackievirus A16 lại có nhiều bóng nước hơn, nhưng lại diễn biến lành tính, ít gây biến chứng, tự khỏi sau 7 - 10 ngày.

Như vậy khi nào bà con thấy bé bị nổi bóng nước nhiều thì cũng đừng hốt hoảng, hoặc thấy nổi bóng nước ít mà chủ quan lơ là, hãy bình tĩnh đem đến cơ sở y tế khám, thực hiện việc theo dõi và chăm sóc con cháu mình theo đúng sự hướng dẫn của thầy thuốc  

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật