Cách điều trị tại chỗ vết bỏng và một vài gợi ý về loại thuốc trị bỏng

Việc điều trị tại chỗ vết bỏng phụ thuộc tính chất tổn thương bỏng. Đối với vết bỏng nông, mục đích đích điều trị là giảm đau và dự phòng các biến chứng nhiễm khuẩn tại chỗ, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình tái tạo phục hồi, rút ngắn ngày nằm điều trị, chất lượng sẹo da tốt khi khỏi. Đối với vết bỏng sâu, mục đích loại bỏ nhanh tổ chức hoại tử, điều trị dự phòng các biến chứng nhiễm khuẩn tại chỗ, không để nhiễm khuẩn xâm nhập thành nhiễm khuẩn toàn thân, tạo điều kiện tốt cho quá trình hình thành mô hạt, chuẩn bị tốt nền ghép da, tạo điều kiện cho mảnh da ghép sống tốt và quá trình biểu mô hóa thuận lợi. Các biện pháp điều trị tại vết bỏng bao gồm:

Thay băng bỏng

Tùy theo tính chất, vị trí tổn thương để quyết định dùng phương pháp băng kín, bán hở hoặc để hở vết thương; thay băng hằng ngày hoặc cách ngày; dùng loại thuốc thích hợp tại vết bỏng.

Thuốc điều trị

Các loại thuốc điều trị tại vết bỏng tùy theo tác dụng chính được chia thành:

Nhóm thuốc có tác dụng làm rụng hoại tử: gồm các men tiêu hủy protein lấy từ nguồn gốc động vật thảo mộc hoặc vi sinh vật như trypsin pepsin papain (từ mủ quả đu đủ), bromelain (từ quả dứa)... hoặc các hóa chất: mỡ axit salyxilic 40%, lanolin...

Nhóm thuốc có tác dụng kháng khuẩn, sát khuẩn: đây là nhóm thuốc được dùng phổ biến nhất, bao gồm: axit boric (dung dịch 2-3%, mỡ 5-10% hoặc bột tinh thể), silver sunfadiazine 1% (cream silvidin 1%, flamazine 1%, silvadene 1%,...), sulfamylon acetat (mỡ mafenide 11,2%), povidone - iodine (thuốc mỡ hoặc dung dịch betadine 10%, dung dịch povidine 10%...) thuốc mỡ hoặc dung dịch kháng sinh polymyxin B neomycin sulfat, colistin 0,1%, dung dịch gentamycin 0,15% penicillin G 0,25%... Ngoài ra, còn nhiều loại thuốc Nam có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn vết bỏng như nước sắc cây cỏ lào cây mỏ quạ, cây lântơuyn, kháo vàng, kháo nhậm lá trầu không dung dịch vàng đắng... Hiện nay, tại các cơ sở điều trị bỏng ở nước ta dùng phổ biến berberin dung dịch 0,1%, cream 0,5%; mỡ madhuxin (chế từ lá và dầu sến).

Nhóm thuốc có tác dụng tạo màng che phủ vết bỏng: được dùng phổ biến là tanin dung dịch 5%. Một số thuốc Nam có tác dụng làm se khô và tạo màng thuốc như cao đặc lá sim, cao đặc vỏ cây xoan trà (B76). Hiện nay, cao đặc vỏ cây xoan trà được dùng rộng rãi tại nhiều địa phương. Với trường hợp bỏng nông, không bị nhiễm khuẩn, sau khi rắc, phun, sẽ tạo thành một màng thuốc che phủ vết bỏng không cần thay băng, tiết kiệm bông băng gạc, bớt đau đớn vì không phải thay băng nhiều lần. Màng thuốc sẽ tự bong ra khi quá trình biểu mô hóa được hoàn tất chất lượng sẹo tốt. Tuy nhiên dùng thuốc phải đúng chỉ định (vết bỏng nông, bỏng mới), không dùng trên vết bỏng sâu, vết bỏng đã nhiễm khuẩn, không dùng quanh chu vi chi thể và việc xử lý vết bỏng trước khi dùng thuốc phải đúng kỹ thuật. Đã có nhiều thông báo về hậu quả đáng tiếc vì sử dụng thuốc tạo màng không đúng chỉ định và kỹ thuật như hoại tử ngón tay, ngón chân (do chèn ép tuần hoàn chi), nhiễm khuẩn tại chỗ và toàn thân....

Nhóm thuốc có tác dụng thúc đẩy quá trình tái tạo vết bỏng như dầu gan cá thu dầu gấc thuốc mỡ rau má tinh dầu mù u, biafine, madecassol, thuốc mỡ cao vàng,  hebermin, chitosan...

Các vật liệu sinh học có tác dụng che phủ tạm thời vết bỏng: như màng nhau thai da đồng loại, dị loại (da ếch, trung bì da lợn), màng biobrane, dermagraft, intergra, màng collagen vải cacbon, tấm nguyên bào sợi đồng loại nuôi cấy,... Việc sử dụng các loại vật liệu sinh học ngày càng rộng rãi, góp phần quan trọng cứu sống bệnh nhân bỏng sâu diện rộng.        

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật