Đuối nước: Xử lý sai cách, người cứu cũng mất mạng!

Đuối nước nếu không xử lý đúng cách có thể gây tử vong cho cả nạn nhân và người cứu,…

Theo con số thống kê của tổ chức Y tế thế giới, khoảng 372.000 người tử vong do đuối nước mỗi năm. Việt Nam cũng nằm trong khu vực có nhiều người chết đuối (6400 người/năm). Trong một vụ đuối nước, việc xử lý sai cách không chỉ gây nguy hiểm cho nạn nhân mà còn đe doạ tính mạng của người giúp.

Tử vong vì cứu người đuối nước

Thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 7 thành viên trong một gia đình (thị trấn Cẩm Châu) tử nạn. Theo thông tin của cơ quan chức năng, sau khi thăm mộ tổ tiên xong, họ đi qua một hồ nước.

Tại đây, người con gái 17 tuổi xuống mép hồ rửa tay nhưng không may trượt chân ngã xuống nước. Thấy vậy, lần lượt bố mẹ và các anh chị em của cô gái đều nhảy xuống hồ. Tuy nhiên, do không biết bơi, nước lại sâu, họ đã bị hồ nhấn chìm. Trong đó có 2 thiếu niên 13 và 15 tuổi.

Các vụ tử vong do đuối nước thường xảy ra ở các sông suối, ao hồ

Các vụ tử vong do đuối nước thường xảy ra ở các sông suối, ao hồ

Tại Việt Nam, 2 nạn nhân đã chết khi cố cứu người đuối nước tại suối Giang Thơm (Quảng Nam). Em Lương Huỳnh Nhi, nhân chứng sống sót cho biết, em cùng 4 bạn khác rủ nhau đi tắm suối nhân dịp đầu năm. Khi đang bơi, Trương Thị Thùy C. (12 tuổi, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) không may trượt xuống chỗ sâu.

Thấy thế, Trương Thị Thùy V. (16 tuổi, chị gái C.) vội vã nhảy xuống nhưng do không biết bơi, nước nhấn chìm cả hai. Ngay sau đó, Nguyễn Nhật V. (17 tuổi, phường Hòa Hương, TP Tam Kỳ) và Nguyễn Ngọc Quốc V. nhảy xuống nhưng cũng bị đuối nước. Em N. vội vã xuống nước nhưng chỉ cứu được Quốc V. và C. Sau khi lên bờ, 3 em tri hô, tìm người đến giúp nhưng không kịp. Khuya hôm ấy, thi thể V. và Nhật V. được tìm thấy.

Việc cứu người đuối nước là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, việc ứng cứu sai cách lại vô cùng nguy hiểm, dễ kéo thêm nhiều nạn nhân. Khi bạn vội vã nhảy xuống, dòng nước, thậm chí nạn nhân có thể kéo bạn theo. Lúc này, lực kéo lớn vô cùng, chỉ cần một chút sơ sẩy thì ngay cả việc biết bơi cũng không thể cứu được bạn. Do đó, các huấn luyện viên cứu đuối thường khuyên mọi người hạn chế cứu trực tiếp.

Đối tượng chết đuối đa phần là trẻ nhỏ chưa có kỹ năng bơi lội

Đối tượng chết đuối đa phần là trẻ nhỏ chưa có kỹ năng bơi lội

Cách ứng cứu khi gặp người đuối nước

Khi thấy một người đuối nước, trước hết bạn cần nhanh chóng tri hô lớn cho nhiều người biết. Cùng với đó, cần nhanh chóng tìm cây sào, mái chèo, dây thừng, phao… để họ bám vào. Nếu không có vật gì xung quanh, huy động quần áo của mọi người để cột thành dây dài, quăng cho nạn nhân. Nếu nạn nhân ra xa tầm với, cần một người biết bơi ra cứu nạn nhân.

Tuy nhiên, cần dùng dây buộc người cứu hộ, một đầu cho người trên bờ giữ hoặc buộc vào cọc neo, cây lớn. Dù họ bất tỉnh hay tỉnh táo cũng không nên ôm nạn nhân. Bạn hãy để họ níu vào hoặc túm áo, buộc dây để có thể kéo họ vào bờ. Nên kết hợp cả sức bơi lẫn sức kéo của những người còn lại.

Với nạn nhân đuối nước, để tăng thêm thời gian cho người ứng cứu, bạn cần tìm cách 'bơi tự cứu'. Thay vì vùng vẫy la hết, bạn cần bình tĩnh nhắm mắt, miệng ngậm nín thở hạn chế nước vào phổi. Thả lỏng toàn cơ thể, chân quạt nhẹ để người có thể nhô lên. Khi thoát khỏi mặt nước, cần nhanh chóng hít một hơi sâu và dài. Thở ra từ từ khi ở dưới nước. Việc này tăng cơ hội sống sót cho bạn cũng như người ứng cứu.

Cần trang bị các kỹ năng cần thiết khi cứu người đuối nước để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra với cả người bị nạn và người cứu

Cần trang bị các kỹ năng cần thiết khi cứu người đuối nước để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra với cả người bị nạn và người cứu

Sơ cứu người bị đuối nước

Khi nạn nhân đã lên được bờ, cần nhanh chóng kiểm tra miệng, mũi nạn nhân, nếu phát hiện dị vật phải móc ra ngay. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo, thay quần áo cho nạn nhân. Trời lạnh, cần cởi bỏ quần áo ướt, đắp chăn cho nạn nhân, luôn có người theo dõi thân nhiệt Dùng khăn móc hết dãi đờm trong miệng. Sau đó, cho uống cốc chè nóng hoặc rượu cấp cứu.

Nếu nạn nhân ngưng thở, cần tiến hành ép tim cấp cứu hoặc hô hấp nhân tạo. Đặt nạn nhân nằm ngửa, bịt mũi nạn nhân rồi hít một hơi thật sâu đưa vào miệng nạn nhân, thở một hơi dài. Làm như vậy thêm vài lần nữa. Ép tim cấp cứu bằng cách đan hai tay vào nhau, để vào 1/3 xương ức về phía ngực trái, ép khoảng 30 lần. Hai phương pháp này cần tiến hành luân hồi trong khi đợi nhân viên y tế đến.

Sau cùng, vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để đảm bảo sức khoẻ Chỉ cần một lượng nước nhỏ lọt vào phổi cũng có thể gây ra tình trạng 'chết đuối khô'.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật