Mách bạn 5 phương pháp hữu hiệu giúp điều trị chóng mặt

Theo y học cổ truyền, chóng mặt phần nhiều là do đàm và hỏa nghịch lên, nguyên nhân có liên quan đến chức năng nội tạng can, tỳ, thận vận hóa kém; do lạm dụng món ăn ngọt, chất béo, khó tiêu, lại ít vận động mà sinh nhiều đàm, khi đàm gặp hỏa đưa lên sinh chóng mặt.

Ðể điều trị, cần phối hợp nhiều phương pháp. Sau đây là một số phương pháp không dùng thuốc

1. Day ấn huyệt

Hằng ngày dùng ngón tay trỏ hoặc giữa tự day ấn các huyệt như ấn đường, hợp cốc, thần đình, bách hội, nội quan, túc tam lý, phong trì, tam âm giao... Nên day ấn cả hai bên ngày một vài lần mỗi huyệt 5 - 10 phút. Tác dụng: khai khiếu, định thần chí, kiện tỳ, thanh hỏa, hóa đàm...

2. Tự xoa bóp

Xoa trán: dùng 3 ngón tay trỏ giữa và áp úp chụm lại xoa toàn bộ trán qua lại 20 - 30 lần, sau đó xoa miết, bóp dọc hai bên cung lông mày. Công dụng: điều hòa khí huyết thanh can giáng hỏa, định thần, trị chứng đau đầu chóng mặt buồn ói...

Xoa sau gáy: Dùng cả bàn tay úp lại xoa dọc lên xuống hai bên sau gáy 20 - 30 lần. Công dụng: thư cơ, thanh can giáng hỏa an thần, tăng cường máu lên não.

Xoa hai ổ mắt: úp hai bàn tay, lấy hai ngón tay trỏ và giữa xoa vòng quanh mắt theo chiều kim đồng hồ (không đè mạnh vào mắt) mỗi lần 20 - 30 vòng. Công dụng: làm cho mắt tinh, định thần, khai thông khí huyết tăng cường máu lên não...

Xoa đỉnh đầu: dùng 3 ngón tay trỏ giữa kế út, úp lại ngón giữa để chính giữa đỉnh đầu (huyệt bách hội) hai ngón kế là huyệt tứ thần thông, day ấn ngang dọc như hình dấu cộng mà huyệt bách hội làm chính giữa. Ngày day ấn vài lần, mỗi lần 5 - 10 phút. Tác dụng: khai khiếu, bình can tức phong, thanh thần chí... Trị đau đầu tai ù, mắt hoa, hồi hộp mất ngủ

3. Xoa và đánh trống mang tai

Dùng 2 ngón tay trỏ và giữa, ngón giữa để trước tai, ngón trỏ để sau tai xoa miết lên xuống ở các huyệt trước và sau tai 20 - 30 lần và sau xoa đều những huyệt xung quanh vành tai 20 - 30 lần. Tiếp đó, lấy 2 lòng bàn tay úp lên hai tai ấn 5 - 10 lần nghe như đánh trống trong tai, sau dùng 2 ngón tay trở và giữa bật mạnh sau óc nghe có tiếng bùm bùm sau tai 5 - 10 lần. Công dụng: trị ù tai tai điếc đau đầu chóng mặt...

4. Tập vẩy tay

Chọn nơi yên tĩnh, đứng thẳng người, hai bàn chân dang bằng vai, mười đầu ngón chân bấm chắc mặt nền nhà, ngậm kín miệng, lưỡi cong lên đụng nướu răng hàm trên, hai mắt nhìn trước, từ từ đưa hai tay ra phía trước hợp với thân mình một góc 30 độ, hai bàn tay song song với mặt nền, các ngón tay khép kín. Vẩy mạnh hai tay ra sau hợp với thân mình một góc 60 độ, hai bàn tay vẩy lên trên và phải làm hết sức mình đồng thời nhíu hậu môn lại và thót lên được tính là một lần vẩy tay, ngày nên tập 2 lần và nên tập lúc bụng không no.

Mới đầu chỉ nên tập mỗi lần vài trăm cái, rồi từ tăng dần, đến lúc vẫy tay trong 30 phút mà được 1.800 - 2.000 cái là càng tốt. Tác dụng giúp khí huyết lưu vận hành khắp cơ thể để nuôi dưỡng lục phủ ngũ tạng, đào thải lọc khí ra ngoài, chữa chóng mặt rất hiệu quả.

5. Ngâm chân nước nóng

Ngâm chân trong nước nóng ở nhiệt độ khoảng 40 - 45 độ C ngày một vài lần, mỗi lần 20 - 30 phút. Theo Đông y, chóng mặt thuộc chứng "huyễn vựng đau đầu chóng mặt ù tai mà nguyên nhân phần nhiều do đàm hiệp hỏa đưa lên. Ngâm chân nước ấm có tác dụng dẫn hỏa đi xuống mà đàm hỏa cũng giảm, tăng cường máu lên não.

Ngoài ra, người bệnh nên đi bộ 30 phút mỗi ngày, ngăn ngừa chứng đau đầu chóng mặt rất hiệu quả.

Vị trí huyệt

Ấn đường: Huyệt nằm ở điểm giữa đường nối hai đầu lông mày.

Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Thần đình: Ở sau chân tóc trán 0,5 tấc. Ở người trán hói, lấy ở huyệt ấn đường thẳng lên 3,5 tấc.



Bách hội: Gấp hai vành tai về phía trước. Huyệt ở điểm gặp nhau của 2 đường vuông góc: đường ngang qua đỉnh vành tai và đường dọc qua giữa đầu.

Nội quan: Trên cổ tay 2 tấc, dưới huyệt gian sử 1 tấc, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.

Túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chầy), từ đó hơi xịch ra phía ngoài 1 ít là huyệt.

Tam âm giao: Nằm ở chỗ lõm sau bờ xương chày, trên mắt cá chân khoảng 6,5 cm (đối với người lớn, khổ người trung bình).

Phong trì: Ở chỗ lõm của bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang bám vào đáy hộp sọ.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật