Các biện pháp sơ cứu tai nạn hóc đường thở đúng cách

Người chăm sóc khi thấy trẻ đột ngột khó thở cần phải nghĩ ngay là trẻ bị ngạt do hóc đường thở, dù trước đó có nhìn thấy trẻ ngậm thứ gì trong miệng hay không.

BS. BẠCH VĂN cam Trưởng khối Hồi sức cấp cứu - BV. Nhi Đồng I cho biết,  tai nạn hóc đường thở (dị vật đường thở) thường xảy ra ở người cao tuổi suy kiệt hôn mê người lớn cười giỡn trong khi ăn hoặc ở trẻ em lúc bú bình hoặc cho ăn không đúng cách.

Cần lưu ý là trẻ bị ngạt có thể tử vong trong vòng vài phút nếu không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời. Do đó, người chăm sóc khi thấy trẻ đột ngột khó thở cần phải nghĩ ngay là trẻ bị ngạt do hóc đường thở, dù trước đó có nhìn thấy trẻ ngậm thứ gì trong miệng hay không.

Tai nạn hóc đường thở thường xảy ra ở trẻ em

Tai nạn hóc đường thở thường xảy ra ở trẻ em

Các biện pháp sơ cứu người bị hóc đường thở đúng cách:

- Nếu nạn nhân còn hồng hào, không khó thở: Nên đặt ở tư thế ngồi thở, giữ yên và đưa đến cơ sở y tế để khám và gắp dị vật ra.

- Nếu người bị nạn tím tái, không thở, không khóc hoặc khóc yếu. Nhanh chóng gọi cấp cứu và tiến hành các thủ thuật sau để giúp tống xuất dị vật ra khỏi đường thở.

Đối với trẻ dưới 2 tuổi: Dùng phương pháp vỗ lưng ấn ngực.

- Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trẻ bằng bàn tay trái.

- Dùng gót bàn tay phải vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa 2 bả vai.

- Sau đó lật ngửa trẻ sang phải, nếu thấy trẻ vẫn còn khó thở dùng 2 ngón tay trái ấn mạnh 5 cái ở vùng nửa dưới xương ức hoặc dưới đường nối 2 vú một khoát ngón tay.

- Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại và tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực (khoảng 5-6 lần) cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Đối với trẻ lớn và người lớn: Dùng thủ thuật Heimlich

Trẻ còn tỉnh:

- Đứng sau lưng trẻ, vòng 2 tay ôm lấy thắt lưng trẻ.

- Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn.

- Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh.

- Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Trẻ hôn mê:

- Để trẻ nằm ngửa, quỳ xuống, dạng 2 chân cạnh đùi người bị nạn.

- Đặt gót lòng bàn tay lên vùng thượng vị dưới chóp xương ức, đặt tiếp bàn tay kia chồng lên bàn tay thứ nhất. Ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.

- Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật được tống ra khỏi đường thở.

Chú ý: Nếu người bị nạn ngưng thở, phải bắt đầu bằng thổi ngạt 2 cái chậm rồi xen kẽ thổi ngạt với thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực, cho tới khi bệnh nhân thở lại được.

- Sau khi lấy được dị vật, vẫn nên đưa người bị nạn đến cơ sở y tế để kiểm tra.

Những điều không nên làm trong sơ cứu người bị hóc đường thở:

- Không can thiệp nếu nạn nhân vẫn còn hồng hào, có thể ho thở hay khóc được.

- Không cố móc lấy vật lạ ra nếu không nhìn thấy, vì có nhiều khả năng làm cho dị vật rơi vào đường thở sâu hơn.

Phòng ngừa hóc đường thở:

- Không để các vật nhỏ như khuy áo, đồng xu, hạt trái cây, hạt đậu... nơi trẻ chơi và ngủ.

- Không cho trẻ nhỏ ăn đậu phộng kẹo cứng hoặc thức ăn có xương.

- Luôn theo dõi khi cho trẻ ăn. Cắt hoặc xé thức ăn thành những miếng nhỏ.

- Không cười giỡn trong khi ăn.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật