Thông tin về thiếu máu não thoáng qua ở người cao tuổi

Thiếu máu não thoáng qua là bệnh lý hay gặp ở người cao tuổi 75 %  là những người trên 65 tuổi nam mắc nhiều hơn nữ (tỷ lệ nam/nữ là 3/2) Những người bị tăng huyết áp bệnh mạch vành tim có nguy cơ bị thiếu máu não thoáng qua gấp 4 lần người bình thường.

Cơn thiếu máu não thoáng qua là tình trạng rối loạn khu trú chức năng của não hoặc mắt, xảy ra đột ngột do thiếu máu não. Các triệu chứng kéo dài tối đa 24 giờ rồi khỏi hẳn, không để lại di chứng. Thông thường mỗi cơn chỉ kéo dài từ 2 đến 20 phút và có biểu hiện lâm sàng đặc trưng tùy theo vùng não bị thiếu máu nuôi dưỡng.
 
Do các triệu chứng tai biến thiếu máu não thoáng qua chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nên bệnh nhân thường không để ý và chủ quan không đi khám bệnh. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ não, tim và tăng tỷ lệ tử vong trong những năm đầu sau cơn thiếu máu.
 
 
Nguyên nhân gây tai biến thiếu máu não thoáng qua là các bệnh lý về tim mạch như vữa xơ động mạch não, bóc tách động mạch, loạn nhịp tim, rung nhĩ, các bệnh lý van tim, nhồi máu cơ tim. Các yếu tố nguy cơ gồm tuổi cao, tăng huyết áp động mạch, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, nghiện thuốc lá, thuốc lào, nghiện rượu… Các nguyên nhân trên làm cho mạch máu não bị tắc nghẽn hoặc co thắt, dẫn đến thiếu máu não.

Biểu hiện thiếu máu não thoáng qua

Biểu hiện của cơn thiếu máu não thoáng qua rất đa dạng, tùy thuộc vào vùng não bị thiếu máu. Đối với vùng não được cấp máu bởi hệ động mạch cảnh, các biểu hiện lâm sàng hay gặp là mù một mắt thoảng qua, mù hoàn toàn hoặc cảm giác có tấm màn che trước mắt. Mù thường chỉ xảy ra ở một bên mắt và thị lực hồi phục rất nhanh.
Biểu hiện thiếu máu não thoáng qua
Biểu hiện thiếu máu não thoáng qua
 
Một triệu chứng nữa của thiếu máu não hệ động mạch cảnh là bệnh nhân thường liệt nhẹ nửa người, rối loạn cảm giác kiểu tê bì hoặc nặng các chi ở nửa người cùng bên liệt, đặc biệt là ở vùng tay - mặt. Ngoài ra, nếu bán cầu não ưu thế bị thiếu máu, bệnh nhân còn bị rối loạn ngôn ngữ, nói khó, không hiểu lời nói...Với vùng não được cấp máu bởi hệ động mạch sống - nền, bệnh nhân có thể bị đau đầu, chóng mặt, rối loạn thăng bằng, nhìn đôi, khó nói, liệt vận động, rối loạn cảm giác cả hai bên hoặc luân chuyển từ bên này sang bên kia.
 
Các triệu chứng này đa phần chỉ kéo dài từ vài giây đến vài phút rồi khỏi hoàn toàn. Mặt khác, những triệu chứng đó rất dễ bị nhầm với một số bệnh khác như động kinh, đau nửa đầu, hạ đường huyết, rối loạn tiền đình... Chính vì vậy, chẩn đoán tai biến thiếu máu não thoáng qua thường khó và dễ bị bỏ qua. Nếu không được điều trị, thiếu máu não thoáng qua sẽ làm tăng nguy cơ nhồi máu não và tai biến tim mạch. Khoảng 6 - 8% bệnh nhân bị nhồi máu não trong tháng đầu tiên và khoảng 5% cho năm đầu tiên.
 
Ngoài ra, có đến 20% các bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim hoặc tử vong đột ngột trong vòng 5 năm tính từ lúc bị cơn thiếu máu não thoáng qua. Như vậy việc chẩn đoán tai biến thiếu máu não thoáng qua rất quan trọng, giúp điều trị sớm và góp phần hạn chế các biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần đến khám chuyên khoa thần kinh và tim mạch  để khám lâm sàng kết hợp với xét nghiệm máu (công thức, đường, mỡ máu, đông máu) điện tim, siêu âm tim, điện não, chụp cắt lớp vi tính não, cộng hưởng từ sọ não, siêu âm doppler xuyên sọ, chụp mạch não...
 

Ðiều trị thiếu máu não thoáng qua

Mục tiêu điều trị thiếu máu não thoáng qua là đề phòng nhồi máu não và tai biến tim mạch. Điều trị nội khoa thường dùng heparine đối với tắc mạch do huyết khối từ tim, cần lưu ý các chống chỉ định (đang bị chảy máu nội tạng, bệnh gan thận nặng, viêm nội tâm mạc, đã phẫu thuật thần kinh, rối loạn đông máu, tuổi cao, huyết áp cao không kiểm soát được). Chỉ được dùng heparine sau khi chụp cắt lớp vi tính não.
 
Ðiều trị thiếu máu não thoáng qua
 
Điều trị thiếu máu não thoáng qua
 
 
Đối với các trường hợp thiếu máu não do vữa xơ động mạch người ta thường dùng thuốc chống kết dính tiểu cầu aspirine, clopidogrel. Đối với các bệnh nhân bị vữa xơ, hẹp trên 70% động mạch cảnh trong thì cần phẫu thuật cắt bỏ lớp nội mạc động mạch. Ngoài ra bệnh nhân cũng phải điều trị các nguy cơ khác như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu; cai thuốc lá, thuốc lào, ngưng uống nhiều rượu và có chế độ ăn uống sinh hoạt, tập luyện phù hợp.
 
Theo khuyến cáo của Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ, cần giữ mức huyết áp tâm thu < 140 và huyết áp tâm trương < 90. Riêng ở bệnh nhân bị đái tháo đường, mức huyết áp khuyến cáo là <130/85 mmHg và giữ mức đường huyết dưới 7 mmol/lít. Bên cạnh đó các hoạt động thể dục được khuyến cáo từ 30 đến 60 phút/1 lần vận động, 3 đến 4 lần/tuần nếu như không có các bệnh lý tim mạch nặng như suy tim, nhồi máu cơ tim hoặc các chống chỉ định khác. Ngoài ra cần có chế độ ăn hạn chế các thức ăn nhiều mỡ động vật, nhiều đường và tăng cường ăn rau xanh và hoa quả tươi.
   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật