Rối loạn chức năng nút xoang,cách điều trị thế nào?

Tôi năm nay 65 tuổi, gần đây hay bị hoa mắt, choáng váng, muốn ngất xỉu và có lúc lại thấy hồi hộp, tim đập thình thịch. Tôi đi khám bệnh tại một phòng khám ở gần nhà thì được chẩn đoán là rối loạn chức năng (RLCN) nút xoang và cho thuốc điều trị. Tôi đã uống thuốc được mấy ngày nhưng vẫn không cảm thấy đỡ. Tôi muốn hỏi rối loạn chức năng nút xoang có nguy hiểm không và có thuốc gì để chữa?

Trần Văn Trà (Bắc Giang)

Theo như mô tả của bác thì có thể bác bị RLCN nút xoang. Thông thường, trong trạng thái nghỉ ngơi, mỗi phút ở người trưởng thành có sức khỏe bình thường, nút xoang phát ra đều đặn từ 65 - 70 xung động.

Khi nút xoang bị suy, nó sẽ không tuân thủ được theo sự chỉ huy của hệ thống thần kinh và nội tiết nữa, đồng thời sẽ gây nên rối loạn nhịp tim biểu hiện sớm là xen kẽ những cơn nhịp nhanh và cơn nhịp chậm không theo quy luật nào (ví dụ khi gắng sức có khi nhịp lại bị chậm, khi ngủ lại có những cơn nhịp nhanh...).

Trong cơn nhịp nhanh, người bệnh sẽ cảm thấy hồi hộp đánh trống ngực tim đập thình thịch, có khi cảm giác như tim sắp bị “bắn” ra ngoài. Khi tim đập nhanh có thể xuật hiện triệu chứng đau thắt ngực khó thở kèm theo.

Khi tim đập chậm, người bệnh sẽ cảm thấy choáng váng chóng mặt nhẹ, thậm chí có thể ngất xỉu (như dấu hiệu bác đã mô tả), nếu nặng nề hơn có thể ngừng tim đột tử Như vậy, rõ ràng RLCN nút xoang là một bệnh lý loạn nhịp rất nguy hiểm, cần phải được theo dõi chặt chẽ và điều trị kịp thời.

Để điều trị RLCN nút xoang RLCN, cách tốt nhất là đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn (để điều trị mạch chậm - vì máy sẽ kích thích tim đập nhanh hơn theo tần số được cài đặt cho máy khi nhịp của bệnh nhân bị chậm) kết hợp dùng các thuốc làm cho mạch chậm lại (để giải quyết vấn đề nhịp tim bị nhanh).

Trong trường hợp điều trị bằng thuốc, nếu dùng thuốc làm chậm mạch để điều trị mạch nhanh thì lại có nguy cơ làm tăng các cơn mạch chậm rất nguy hiểm, trái lại, dùng các thuốc kích cho nhịp tim nhanh lên để điều trị cơn mạch chậm thì lại có nguy cơ làm tăng các cơn nhịp nhanh. Do vậy, vấn đề điều trị bằng thuốc phải được xem xét hết sức thận trọng.

Chỉ có đặt máy tạo nhịp tim mới có thể giải quyết một cách an toàn cho những bệnh nhân bị suy yếu nút xoang. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng cần phải đặt máy tạo nhịp tim, mà phải có chỉ định rất cụ thể.

Trong trường hợp của bác, lời khuyên tốt nhất là bác cần đến sớm trung tâm tim mạch ở các bệnh viện lớn chuyên khoa tim mạch có nhiều kinh nghiệm. Tại đây, bác sẽ được làm thêm các xét nghiệm thăm dò cần thiết nhằm trước hết là chẩn đoán xem có đúng bác bị RLCN nút xoang hay không, sau đó các bác sĩ chuyên khoa sẽ cho bác lời khuyên cần thiết trong cách dự phòng và điều trị hợp lý.

Tuyệt đối không nên tự ý dùng thuốc hoặc uống thuốc điều trị theo lời mách bảo hoặc do bác sĩ không đúng chuyên khoa tim mạch để tránh nguy hiểm đến tính mạng. 

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật