Sốt rét kháng thuốc và các biện pháp phòng ngừa như thế nào

Nước ta đang triển khai các biện pháp phòng chống tích cực để tiến tới loại trừ bệnh sốt rét ra khỏi cộng đồng vào năm 2030 theo chiến lược được xây dựng. Tuy vậy, tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc hiện nay đã phát triển ở các địa phương là một khó khăn kỹ thuật có thể làm hạn chế kết quả công tác trong thời gian tới.

Nguyên nhân ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc thường phát sinh và phát triển với 3 nguyên nhân chủ yếu là do áp lực thuốc điều trị, do hoạt động sinh thái của người và tình trạng di biến động, do sự tiếp nhận của muỗi truyền bệnh sốt rét tại địa phương.

Về áp lực thuốc sốt rét: Khi dùng nhiều một loại thuốc điều trị sốt rét trong thời gian dài cho một đối tượng lớn trong quần thể cộng đồng dân cư sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho chủng loại ký sinh trùng sốt rét bị biến dị, kháng tự nhiên với thuốc sử dụng và dần dần được nhân lên; thay thế vào đó là những chủng loại ký sinh trùng sốt rét nhạy cảm bị tiêu diệt dần; hiện tượng này còn gọi là quá trình sàng lọc của áp lực thuốc điều trị.

Thực tế loại gen nhạy và gen kháng thuốc của ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum là một phức hợp được các nhà khoa học chứng minh nếu đạt đơn dòng thì có sự đáp ứng khác nhau với thuốc sốt rét và có dòng nhạy, dòng kháng.

Trường hợp sử dụng nhiều loại thuốc sốt rét trong một thời gian dài, nhất là khi dùng một cách bừa bãi, không đủ liều với đối tượng bệnh nhân là sốt rét sơ nhiễm, có mật độ ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falcipảum cao khó tiêu diệt hết thì chủng loại ký sinh trùng sốt rét dễ thích nghi dần với thuốc điều trị, đặc biệt là loại thuốc kháng folic và folinic theo cơ chế kháng plasmid; tình trạng này còn gọi là quá trình thích nghi của ký sinh trùng sốt rét dưới áp lực thuốc.

Đối với một số thuốc sốt rét được sử dụng, hiện tượng kháng thuốc có thể mất đi sau một thời gian ngừng dùng các loại thuốc sốt rét này.

Về hoạt động sinh thái của người và tình trạng di biến động: Ký sinh trùng sốt rét thường phát sinh, phát triển ở những nơi có nhiều nguồn bệnh, có mật độ ký sinh trùng cao, nhất là ở các quần thể cộng đồng dân cư chưa có miễn dịch với sốt rét mới vào vùng sốt rét lưu hành nặng.

Thực tế ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc có thể lan rộng đi xa từ nơi này sang nơi khác, từ vùng này sang vùng khác chủ yếu do nguồn bệnh di chuyển theo tình trạng di biến động của người bệnh đã làm phức tạp thêm tình hình.

Về sự tiếp nhận của muỗi truyền bệnh sốt rét tại địa phương: Ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc lan truyền đi gần hay đi xa đều tùy thuộc vào sự di biến động bệnh nhân và khả năng tiếp nhận của muỗi truyền bệnh tại địa phương. Chúng chỉ cắm rễ và lưu hành ở một địa phương khi chủng loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc hoàn thành được chu kỳ phát triển hữu tính trong cơ thể muỗi truyền bệnh sốt rét tại thực địa.

Các nhà khoa học đã khuyến cáo cần lưu ý đến hoạt động của loài muỗi Anopheles dirus vì loài muỗi này có khả năng lan truyền mạnh chủng loại ký sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum kháng thuốc.

Hậu quả của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

Tại các địa phương đã xuất hiện chủng loại ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc thì sẽ dẫn đến những hậu quả không mong muốn như: Điều trị tiệt căn bệnh sốt rét gặp nhiều khó khăn. Bệnh sốt rét có điều kiện diễn biến nặng hơn, bệnh có cơ hội kéo dài dai dẳng, tình trạng bệnh tái phát nhiều, tỷ lệ chuyển đổi thành sốt rét ác tính cao hơn tử vong do sốt rét cũng gia tăng. Đồng thời, dịch sốt rét rất khó phòng chống, sốt rét cũng rất khó thanh toán hay loại trừ vì nguồn bệnh sốt rét khó giải quyết; tỷ lệ muỗi truyền bệnh kháng hóa chất diệt nhiễm ký sinh trùng sốt rét tăng và có nguy cơ lây lan rộng tình trạng ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ra các vùng khác.

Về mặt kinh tế ghi nhận số ngày công lao động của người lao động bị mắc bệnh mất đi nhiều do tình trạng sốt rét kháng thuốc gia tăng, số tiền chi phí cho việc điều trị bệnh sốt rét và thực hiện những nghiên cứu sản xuất thuốc điều trị chống kháng sẽ rất lớn.

Biện pháp phòng chống ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc

Việc phòng chống ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc muốn có hiệu quả cần phải thực hiện cùng một lúc hai biện pháp chủ yếu là ngăn ngừa và xử trí ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc một cách tích cực.

Ngăn ngừa ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc: Được thực hiện bằng các biện pháp cụ thể bao gồm: Hướng dẫn và giám sát chặt chẽ công tác điều trị tại các cơ sở y tế, kiểm soát việc điều trị nghiêm túc tại các bệnh viện bệnh xá ở các tuyến cũng như tại tuyến y tế cơ sở.

Truyền thông giáo dục sức khỏe rộng rãi, hướng dẫn cụ thể cho cộng đồng người dân biết tự chẩn đoán, tự điều trị chính xác bệnh sốt rét, dùng đúng thuốc và đủ liều; đồng thời tăng cường việc quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các nhà thuốc hiệu thuốc, cửa hàng thuốc tư nhân.

Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra ký sinh trùng sốt rét ở tất cả các bệnh nhân được điều trị tại những cơ sở y tế, thực hiện tốt việc điều trị tiệt căn, sử dụng thuốc đúng và đủ liều lượng theo phác đồ điều trị quy định; lưu ý hạn chế và thận trọng trong chỉ định điều trị hàng loạt hay điều trị mở rộng để ngăn ngừa yếu tố áp lực thuốc; tuyệt đối không áp dụng biện pháp điều trị phỏng chừng, điều trị dự phòng với liều thuốc thấp hơn liều thông thường quy định.

Quan tâm chỉ đạo, lựa chọn phác đồ điều trị chính xác, phù hợp trên cơ sở dược động học của thuốc; thực hiện đúng việc sử dụng thuốc điều trị ưu tiên và thuốc điều trị thay thế đã được hướng dẫn; có thể thay đổi thuốc điều trị sử dụng theo từng thời kỳ, lưu ý dành thuốc có hiệu lực cao cho những trường hợp sốt rét nặng và sốt rét ác tính. Tổ chức công tác giám sát thường xuyên tình hình ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc ở trong vùng để kịp thời phát hiện sớm hiện tượng kháng thuốc nhằm cung cấp những thông tin cần thiết và chỉ đạo thực hiện tốt việc điều trị có hiệu quả.

Xử trí ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc: Cũng phải thực hiện các biện pháp có liên quan bao gồm: Chủ động nghiên cứu sản xuất thuốc sốt rét chống kháng bằng cách thường xuyên giám sát hiệu lực của những loại thuốc đang sử dụng dù chưa bị kháng hoặc đã bị kháng, đồng thời đánh giá sự phát triển và lan truyền của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Nghiên cứu tìm ra những phác đồ điều trị chống kháng có nhiều ưu điểm để thực hiện, nhất là các phác đồ thuốc điều trị phối hợp chống kháng.

Tăng cường quản lý nguồn bệnh để hạn chế ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc lan truyền, lưu ý việc phòng chống muỗi truyền bệnh để khống chế tình trạng phát tán và lan rộng của ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc. Chú ý việc điều trị tiệt căn mầm bệnh ký sinh trùng sốt rét ở các cơ sở y tế, ngừng sử dụng những loại thuốc sốt rét đã bị kháng với mức độ cao.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật