Vì sao phải giảm muối khi dùng thuốc prednisolon ?

Bà Nga phải uống thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp đã lâu, nay thời tiết ẩm thấp thì bệnh hen phế quản của bà lại nặng lên, nên bệnh chồng bệnh, thuốc chồng thuốc. Mỗi ngày, bà Nga phải uống tới 5-6 loại thuốc để điều trị.

Tuy nhiên, hồi chưa uống thuốc điều trị hen phế quản thì huyết áp của bà còn ổn định, nay uống thêm thuốc để chữa bệnh hen được 1 tuần thì huyết áp của bà không ổn định mà còn có dấu hiệu bị phù nữa.

Đi khám bệnh, bà mới biết tình trạng bị phù và huyết áp của bà không giảm, dù vẫn uống thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ là do bà uống prednisolon mà vẫn ăn mặn.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hải (BV Trung ương Quân đội 108) giải thích: Prednislon là một loại corticoide có tác dụng chống viêm và ức chế miễn dịch Tác dụng này tùy thuộc vào liều lượng thuốc sử dụng.

Thuốc có tác dụng nhẹ trên chuyển hóa muối và nước, do vậy nếu dùng ngắn ngày (trong vòng 5-7 ngày) thì thường ít tác dụng phụ, hầu hết tác dụng phụ chỉ xuất hiện khi dùng dài ngày. Thời gian xuất hiện tác dụng phụ như phù tăng huyết áp còn tùy thuộc vào đáp ứng của từng cá thể do vậy cần theo dõi sát bệnh nhân.

Trong trường hợp của bà Nga, do ăn mặn nên làm tăng tác dụng gây giữ muối và nước của thuốc khi lượng muối được giữ lại nhiều thì sẽ kéo theo lượng nước tương ứng để đảm bảo nồng độ ổn định trong cơ thể. Do vậy, giữ muối đồng thời với giữ nước sẽ tăng triệu chứng phù và tăng khối lượng dịch trong cơ thể cũng sẽ làm tăng huyết áp (trong điều trị tăng huyết áp phải dùng thuốc lợi tiểu là vì vậy).

PGS.TS. Hải khuyên: Khi bệnh nhân bị bệnh tăng huyết áp đã dùng thuốc hạ áp rồi và phải dùng thêm thuốc trong nhóm corticoid thì cần có chế độ ăn giảm muối. Chế độ này gồm nhiều mức: kiêng ăn muối, giảm chặt chẽ, giảm tương đối... tùy theo các bệnh lý đi kèm trên từng bệnh nhân (suy tim suy thận ) mà bác sĩ sẽ có lời khuyên phù hợp.

Tuy nhiên, trên nguyên tắc thì khi đã dùng corticoide đường uống, càng giảm nhiều muối càng tốt, nhưng phải phù hợp với đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân như không có các dấu hiệu của mất muối hoặc cần làm các xét nghiệm để biết. Ngoài ra, bệnh nhân cần ăn chế độ giàu đạm (nếu không có suy thận), nhiều rau và hoa quả tươi - sạch, thức ăn dễ tiêu không sinh hơi, ít ảnh hưởng đến dạ dày (chua, cay...).

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật