Cơm - Món ăn hằng ngày dưới góc nhìn của khoa học dinh dưỡng

Món cơm là món chính của người Việt. Đã là người Việt, dù đi xa đến đâu, dù làm chức vụ to lớn gì hay quen thuộc với cách sống phương Tây đến đâu, vẫn thèm chén cơm nóng ăn với món ăn Việt đơn giản.

Cơm quen là thế, nhưng trong thời đại khoa học phát triển này, người ta tìm ra bao nhiêu là điều liên quan đến cơm mà không phải ai cũng biết.

Cơm được nấu từ gạo, gạo được làm từ lúa. Sở dĩ phải kể lể dài dòng đến thế là vì từ lúc còn là hạt lúa đến lúc trở thành chén cơm bưng trên tay, hạt cơm đã trải qua quá trình chế biến bao gồm xay xát, bảo quản, vo rửa, nấu chín...nên có nhiều thay đổi qua các công đoạn khác nhau ấy.

Chất dinh dưỡng từ cơm

Nếu xét giai đoạn còn là lúa, thành phần chất dinh dưỡng quan trọng nhất có trong hạt lúa là chất tinh bột bởi thế lúa gạo mới được xếp vào nhóm thực phẩm cung cấp chất bột đường chủ yếu. Ngoài chất bột, trong lúa gạo còn khá nhiều chất đạm thực vật.

Thiên nhiên vốn là nhà sáng tạo vĩ đại nhất, nên chung quanh hạt gạo, bên trong lớp vỏ trấu còn một lớp vỏ mỏng được gọi là vỏ cám. Đây chính là nơi dự trữ các loại vitamin nhóm B nhiều nhất là B1, một thành phần vi chất có vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và sử dụng chất bột đường trong cơ thể.

Hay nói một cách khác, khi cung cấp tinh bột để dùng như một loại nhiên liệu cho sự sống, thiên nhiên cũng đã đồng thời cung cấp các phụ gia phù hợp để nhiên liệu đó được sử dụng an toàn và hữu hiệu nhất.

Lớp vỏ cám bên ngoài hạt gạo cũng là nơi cung cấp chất xơ giúp điều hoạt động của hệ tiêu hóa nuôi dưỡng vi sinh vật đường ruột, chống táo bón tăng cường miễn dịch và phòng chống được cả các bệnh ung thưđại tràng  

Sử dụng cơm đúng cách

Thế nhưng các lớp vỏ cám ấy thường có màu đỏ hay ngà không đẹp mắt, và có nhiều chất xơ nên thường cứng, vì thế người ta thường phải chà sạch lớp vỏ cám ấy đi để món cơm được trắng, mềm dẻo, bắt mắt và bắt lưỡi hơn. Cảm quan thì chắc chắn là tốt hơn, nhưng xét về mặt dinh dưỡng thì gạo chà trắng thì đã bị hao hụt phần lớn vitamin nhóm B và chất xơ.

Vitamin B lại là vitamin tan trong nước, nên khi nấu cơm, quá trình vo rửa làm mất đi nốt phần ít còn lại, và kết quả cuối cùng, món cơm chỉ cung cấp chất bột và chất đạm thực vật là chính, chẳng còn vitamin B và cũng không còn chất xơ. Không có chất xơ nên tinh bột sẽ được tiêu hóa và hấp thu nhanh dẫn đến đường huyết tăng nhanh hơn và nhiều hơn sau khi ăn.

Chính vì thế, khi vo gạo, chúng ta không nên vò quá kĩ, cũng như vò quá nhiều nước, nó sẽ làm mất đi phần dinh dưỡng vốn có ngoài hạt gạo.

Như vậy, bên cạnh những ưu điểm, cơm nấu bằng gạo chà trắng cũng có những yếu điểm mà con người cần biết, để điều chỉnh lượng gạo cũng như sử dụng loại gạo nào cho phù hợp với sức khỏe Khi nhìn lúa gạo và cơm dưới góc nhìn khoa học dinh dưỡng ta có thêm cơ sở để chăm sóc sức khỏe cho mình và cho người thân tốt hơn nữa.

   
Làm Mới
Bài viết cùng chuyên mục
Video nổi bật